Bất cập nhân lực y tế tuyến cơ sở

02:12, 03/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Y tế tuyến xã có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động của trạm y tế ở nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB).
Nhân lực thiếu khiến nhiều trạm y tế xã gặp khó khăn trong khám chữa bệnh.
Nhân lực thiếu khiến nhiều trạm y tế xã gặp khó khăn trong khám chữa bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức: “Ngành y tế sẽ xét tuyển biên chế cho y tế xã”
 
Thời gian qua, nhiều trạm y tế xã phải cắt giảm nhân viên hợp đồng, biên chế lại tinh giản, dẫn đến thiếu cán bộ y tế. Trong khi đó, việc bố trí nhân lực chưa hợp lý, “nơi thừa, chỗ thiếu”. Khi thiếu nhân lực, cán bộ phải kiêm nhiệm, làm việc gấp đôi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng KCB. 
 
Sở Y tế hiện đang triển khai kế hoạch xét tuyển khoảng trên 1 nghìn cán bộ thuộc diện hợp đồng theo Quyết định 58/TTg ngày 3.2.1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở sang biên chế thuộc chỉ tiêu được tỉnh giao. Sở đã chỉ đạo các trung tâm y tế rà soát, xem xét, luân chuyển, bố trí lại nhân lực tại các trạm y tế. 
 
Ngoài ra, Sở cũng đang triển khai Dự án nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đây là dự án được tài trợ từ vốn Ngân hàng Thế giới, qua đó tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, mua sắm trang thiết bị. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã tập huấn đào tạo bác sĩ theo nguyên lý y học gia đình cho bác sĩ tuyến xã. Các đơn vị y tế tuyến huyện, thành phố phải tăng cường đào tạo và bố trí nhân lực, sử dụng hiệu quả các thiết bị điện tim, siêu âm, để tránh tình trạng lãng phí cơ sở vật chất được trang bị.
 
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng: “Qua giám sát, nhân lực trạm y tế xã còn bất cập”
 
Qua chương trình giám sát của HĐND tỉnh về hoạt động của trạm y tế xã trong thời gian qua cho thấy, hoạt động KCB  tại các trạm y tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Việc triển khai các dịch vụ siêu âm, điện tim tại các trạm y tế chưa được sử dụng nhiều. Chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn tại các trạm y tế chưa cao. Đội ngũ cán bộ của một trạm cơ cấu chức danh chưa phù hợp; còn thiếu nhiều dược sĩ, y sĩ, y học cổ truyền và thừa số lượng nữ hộ sinh. Công tác đào tạo bác sĩ liên thông, dược sĩ liên thông, các chuyên ngành y học cổ truyền gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế xã còn hạn chế về công nghệ thông tin, nên phần nào ảnh hưởng đến công tác chuyên môn và thanh, quyết toán kinh phí bảo hiểm y tế...
 
Trong thời gian đến, ngành y tế cần tăng cường đầu tư đồng bộ hơn nữa, trong đó bố trí nhân lực hợp lý cũng như nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.
 
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây Châu Nguyễn Thương: “Thiếu y sĩ y học cổ truyền”
 
Trong năm 2019, trung tâm chấm dứt hợp đồng đối với 16 cán bộ y tế xã. Hiện toàn huyện còn thiếu y sĩ y học cổ truyền làm việc ở các trạm y tế. Có trạm có 2 điều dưỡng, hoặc 2 nữ hộ sinh, nhưng lại thiếu cán bộ chuyên môn khác, dẫn đến nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm công việc.
 
Đơn cử như Trạm Y tế xã Sơn Liên, do chấm dứt 3 nhân viên hợp đồng, nên trạm chỉ còn 3 y, bác sĩ. Giải pháp trước mắt là chúng tôi sẽ chuyển cán bộ ở những trạm đảm bảo nhân lực sang trạm ít nhân lực để đảm bảo hiệu quả trong công tác KCB.
 
Do tuyển dụng khó khăn, nên huyện sẽ tăng cường cử cán bộ đi đào tạo các chuyên môn còn thiếu để bổ sung cho trạm y tế xã.
 
Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi Lê Thị Bích Thu: "Định biên trạm y tế thấp, thiếu bác sĩ đa khoa"
 
Vừa qua, 18 cán bộ y tế thuộc diện hợp đồng tại 23 trạm xã, phường trên địa bàn thành phố phải nghỉ việc, trong khi định biên được giao thấp, nên nhân lực một số trạm y tế chưa đảm bảo. Hiện y tế cơ sở trên địa bàn gặp khó, vì thiếu nhiều bác sĩ, y sĩ đa khoa, dẫn đến gặp khó trong thanh toán KCB BHYT.
 
Trong khi đó, các cơ sở y tế thừa điều dưỡng và nữ hộ sinh (hiện toàn thành phố có 45 nữ hộ sinh và 15 điều dưỡng). Ngoài ra, thành phố cũng đang thiếu cán bộ y học cổ truyền, dược. Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đào tạo chuyên môn và chờ sau khi xét tuyển viên chức cho y tế xã sẽ sắp xếp lại nhân lực cho hợp lý.
 
Điều dưỡng Đinh Thị Hoanh - Trạm Y tế xã Sơn Ba (Sơn Hà): "Trạm không có người đỡ đẻ"
 
Trước đây, trạm y tế xã có 8 cán bộ, nhân viên, vừa rồi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định đối với  4 nhân viên.
 
Mặt khác, cái khó ở đây là trạm cách xa trung tâm y tế ở huyện hơn 30km, nhiều thôn xa xôi cách trở, nên không ít sản phụ đi huyện không kịp phải sinh ở trạm. Do một nữ hộ sinh nghỉ theo diện hợp đồng, nên chúng tôi hiện thiếu người đỡ đẻ.
 
Những cán bộ điều dưỡng như tôi phải kiêm nhiệm vụ đỡ đẻ, dù chưa học qua chuyên môn.
 
Phó phụ trách Trạm Y tế xã Tịnh Ấn Tây, y sĩ Cao Văn Tân: "Gặp khó do không có dược sĩ"
 
Trạm y tế xã hiện tại vẫn chưa có trưởng trạm, cùng với đó là thiếu dược sĩ. Trong khi đó có tới 2 điều dưỡng và 2 y sĩ, cùng 1 bác sĩ.
 
Thiếu dược sĩ, nên khi thực hiện y lệnh bác sĩ cấp thuốc cho bệnh nhân, thì cán bộ trạm phải kiêm nhiệm vụ dược sĩ.
 
Do đó, cấp trên cần bố trí cán bộ luân chuyển để trạm có đủ cán bộ chuyên môn, nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương tốt hơn.
 
 
 
Nhiều trạm y tế có nguy cơ rớt chuẩn
 
Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có hơn 1.092 cán bộ y tế. Trong đó có 1.031 nhân viên y tế tại các trạm y tế hợp đồng theo Quyết định số 58 chưa là viên chức. Số trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế là 158, chiếm 86%. Một số trạm y tế chưa được xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, hệ thống xử lý chất thải y tế chưa đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.

Kim Ngân 
(thực hiện)

 

.