"Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS"

09:12, 02/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm nay (1.12),  nhằm thực hiện các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Số người nhiễm HIV mới vẫn còn cao 
 
Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV mới được phát hiện hằng năm vẫn còn nhiều. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng.
 
Trong khi đó, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS của cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, nhất là trong các nhóm người sử dụng ma túy, mua - bán dâm, di dân biến động... Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn khá nặng nề; mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. 
 
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân miền núi để phòng, chống HIV/AIDS.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân miền núi để phòng, chống HIV/AIDS.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hồ Minh Nên, đáng lo ngại là gần đây, số ca bệnh ở địa bàn miền núi có chiều hướng gia tăng, chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà. Địa bàn có người nhiễm HIV/AIDS đã bao phủ ở 14/14 huyện, thành phố; 146/184 xã, phường, thị trấn. Đối tượng lây nhiễm HIV dần trẻ hóa, khoảng 70% số người nhiễm trên địa bàn tỉnh nằm trong độ tuổi 20 - 40, chủ yếu nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. 
 
Anh Đ.T.L, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), mắc bệnh do quan hệ tình dục không an toàn khi vào các tỉnh, thành phía nam mưu sinh. Do thiếu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, anh L đã lây bệnh cho vợ và con trai. Giờ đây, sức khỏe kém, không thể lao động nặng nhọc, nên cuộc sống của vợ chồng anh hết sức khó khăn. Con trai anh cũng bị bạn bè kỳ thị khi đến trường.
 
Toàn tỉnh hiện đã phát hiện 867 người nhiễm HIV, trong đó có 687 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 319 người đã tử vong. Số người nhiễm HIV mới hằng năm có xu hướng duy trì tương đối ổn định trong vòng 5 năm gần đây, với khoảng 50 người nhiễm mới mỗi năm. Địa phương có ca bệnh nhiều nhất là TP.Quảng Ngãi, với 188 trường hợp HIV và 144 ca chuyển sang AIDS; huyện Đức Phổ có 131 bệnh nhân HIV và hơn 100 người chuyển sang AIDS...

Nỗ lực khống chế dịch bệnh 

Trong năm 2019, Quảng Ngãi đã đạt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,05% theo kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của UBND tỉnh đề ra. Chặng đường tiếp theo, Quảng Ngãi cùng với cả nước thực hiện hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tầm nhìn 2030.
 
Để đạt mục tiêu đặt ra, kiểm soát nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, ngành y tế đã tăng cường công tác hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân HIV thông qua chính sách BHYT. Hiện nay, số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ARV trong toàn tỉnh là gần 350 người, trong đó có 16 trẻ em. Ngành y tế cũng đã xét nghiệm gần 35 nghìn mẫu để giám sát, phát hiện HIV và theo dõi điều trị cho bệnh nhân trong cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hình thức. 
 
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phạm Minh Đức cho biết: "Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả rất cần cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh chủ động vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế sự lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng và cần sự nỗ lực của cả cộng đồng vì mục tiêu không có người nhiễm mới HIV; không có tử vong do AIDS và không kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS". 
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN 
 
 

.