Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
Điều trị sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh

03:12, 01/12/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 550 người mắc HIV còn sống. Với những bệnh nhân này, ngành Y đang tích cực tư vấn, vận động họ tiếp cận việc điều trị thuốc ARV sớm và đều đặn. Điều này hết sức quan trọng, bởi không chỉ giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh mà còn giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Tỷ lệ mắc HIV đang tăng cao
 
Chị T. quê ở Đức Phổ chỉ mới 27 tuổi, vừa phát hiện mình bị nhiễm HIV từ bạn trai. Đây là cú sốc quá lớn đối với cuộc đời cô gái trẻ. “Em đi làm ăn ở phía Nam rồi gặp, tìm hiểu và quen với bạn trai. Cả hai dọn về sống chúng nhà. Được nửa năm thì em cảm thấy cơ thể không khỏe, ở chân có mọc nhọt mà mãi không bớt. Em đi khám rồi xét nghiệm máu thì mới biết mình nhiễm H”- T. kể lại quá trình phát hiện ra mình bị bệnh.
 
Kể từ khi phát hiện, T. gác lại công việc rồi buồn bã về quê. Lúc đầu, T. không chịu hợp tác khi bác sĩ đến tận nhà tư vấn, hướng dẫn điều trị theo phác đồ. Nhưng vượt qua thời gian đầu khó khăn, T. đã bình tâm lại và suy nghĩ lạc quan hơn. Đến nay, chị đã dùng thuốc ARV đều đặn 3 tháng.
 
“Lúc đầu em dùng thuốc thì thấy mệt lắm. Nhưng sau đó thì quen dần, giờ em thấy sức khỏe mình khá tốt. Em cũng đã đang làm việc bình thường trở lại như những người khác. Em đang hi vọng là một ngày nào đó những người nhiễm HIV như em sẽ có thuốc chữa lành, giờ y học tiến bộ rồi mà”- chị T. thổ lộ.

 

Năm 2019, toàn tỉnh có 59 ca mắc HIV mới, tăng cao so với năm trước
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về HIV cho phụ nữ
 
Chị T. là một trong 19 trường hợp mắc mới HIV trên địa bàn huyện Đức Phổ- địa phương có số ca nhiễm mới nhiều nhất tỉnh trong năm 2019. Nhưng trong số này, số người tuân thủ điều trị giống chị T. thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là thách thức lớn không chỉ đối với ngành Y mà còn với xã hội bởi khả năng lây lan cao ra ngoài cộng đồng.
 
Ông Võ Văn Thuận- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Phổ cho biết: Đến nay, toàn huyện có 127 ca mắc HIV, trong đó còn sống 65 người. Số người điều trị ARV chỉ có 36 người. Số người mắc mới chủ yếu là lao động làm ăn xa và đối tượng nghiện ma túy. Hiện chúng tôi gặp khó trong việc quản lý những người này để tiếp cận tuyên truyền, vận động họ tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc.
 
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung bình mỗi năm, Quảng Ngãi phát hiện khoảng 50 ca nhiễm mới HIV. Tuy nhiên, năm 2019 số ca mắc mới HIV có dấu hiệu gia tăng, với 59 ca. Tới thời điểm này, tổng số người nhiễm HIV trên toàn tỉnh lên 870 người, trong đó có 550 người còn sống.
 
Không chỉ gia tăng về số ca mắc, đối tượng lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa, với khoảng 70% tổng số người nhiễm của tỉnh nằm trong độ tuổi 20-40. Điều đáng nói, tỷ lệ người nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy và tình dục không an toàn đang chiếm ưu thế.
 
Điều trị sớm và đều đặn để khỏe mạnh
 
Trước kia, khi bệnh nhân có HIV, chuyển qua AIDS mới được dùng thuốc ARV. Nhưng mới đây, tháng 7.2017, theo nghiên cứu của hội đồng y khoa thế giới thì bệnh nhân được điều trị càng sớm, thường xuyên thì tải lượng virut xuống thấp ở mức không đáng kể. Điều này đồng nghĩa, cơ thể người bệnh sẽ khỏe mạnh và khả năng lây lan virut ra cộng đồng sẽ ở mức rất thấp.

 

Tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV giúp người bệnh khỏe mạnh và nguy cơ lây lan ra cộng đồng thấp
Tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV giúp người bệnh khỏe mạnh và nguy cơ lây lan ra cộng đồng thấp
Cũng như nhiều bệnh nhân khác, khi mới phát hiện mình bị nhiễm bệnh từ người chồng đã qua đời, chị M. rất sốc. Nhưng sau đó, khi được các y bác sĩ ở Khoa Phòng Chống HIV/AIDS tư vấn nhiệt tình, chị điều trị bệnh một cách tích cực. Đã 10 năm nay, chị uống thuốc thường xuyên, liên tục nên đã kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp. Hiện tại, cơ thể chị rất khoẻ mạnh.
 
Chị M. chia sẻ: Hiện tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình. Nên sức khỏe tôi buộc phải tốt để làm lụng nuôi con. Cũng nhờ sớm biết và điều trị kịp thời, được các bác sĩ tư vấn về cách sinh hoạt để không lây truyền sang người khác nên 3 đứa con của tôi đều không bị nhiễm.
 
Thực tế chứng minh, trong số gần 300 bệnh nhân đang tiếp nhận điều trị thuốc ARV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, có đến 95% ca có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút ở mức thấp. Ngược lại, nếu không tuân thủ điều trị đều đặn thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi người bệnh sẽ rơi vào tình trạng kháng thuốc và virut sẽ có cơ hội tấn công mạnh khiến người bệnh yếu dần và mắc các bệnh cơ hội như: Lao, nhiễm trùng phổi…
 
Trong số 550 bệnh nhân nhiễm H trên địa bàn tỉnh, có không ít trường hợp bỏ dở điều trị thuốc giữa chừng khiến cho tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng. Chị N. ở huyện Ba Tơ là một ví dụ cụ thể. Vì điều kiện kinh tế eo hẹp, chị không thể xuống Khoa Phòng chống HIV để lấy thuốc đều đặn mỗi tháng. Nên chỉ sau 1 tháng không uống thuốc, chị cảm thấy cơ thể mình yếu dần. “Tôi hay bị đau đầu, rồi hay bị đau vặt nữa. Các bác sĩ đến nhà khuyên tôi là phải đi lấy thuốc đều, uống thuốc đều thì mới khỏe mạnh được”- chị M. chia sẻ.

Bác sĩ Hồ Viết Duẩn- Khoa Phòng, chống HIV, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Điều trị HIV quan trọng nhất chính là ý thức của người bệnh trong việc uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Nếu tuân thủ điều trị thì người nhiễm H sẽ có cuộc sống khỏe mình bình thường, thậm chí là có thể lao động. Nhưng nếu bỏ giữa chừng thì khả năng kháng thuốc cao, để tình trạng này xảy ra thì vô cùng nguy hiểm cho người bệnh lẫn cộng đồng vì khả năng lây rất cao.

 
Chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 là “Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS”. Với chủ đề này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm để phát hiện và điều trị sớm. Ngoài ra, Trung tâm cũng tăng cường cung cấp kim tiêm và bao cao su miễn phí ra cộng đồng để dự phòng lây nhiễm.
 
“Chúng tôi sẽ tiến hành đưa xét nghiệm HIV xuống xã luôn, để các đối tượng có nguy cơ HIV cao dễ tiếp cận, thuận tiện biết tình trạng của mình. Những người xét nghiệm đã bị nhiễm HIV phải được điều trị”- Bác sĩ Phạm Văn Long- Trưởng Khoa Phòng chống HIV cho hay.
 
Trong mục tiêu 90 – 90 – 90 của Liên hiệp Quốc về phòng, chống HIV thì tiêu chí 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình là quan trọng nhất, nó quyết định kết quả của 2 tiêu chí kia. Phát hiện sớm thì mới có thể điều trị sớm và đạt hiệu quả cao. Do đó, ngành Y Quảng Ngãi vẫn không ngừng nỗ lực để vươn tới mục tiêu chung.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.