Đổi mới, sáng tạo trong cách dạy để thu hút học sinh

03:11, 19/11/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Mỗi bài học mang đến lớp đều được nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng tạo cảm giác hứng thú cho học trò. Sáng tạo trong dạy học và chăm sóc học sinh là phương pháp giảng dạy mà nhiều giáo viên đang áp dụng.

TIN LIÊN QUAN

Đó cũng là cách hai cô giáo Nguyễn Thị Xuân ở Trường mầm non Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) và cô Lưu Trương Kim Tuyền, Trường Tiểu học Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) thực hiện để giúp các học sinh thân yêu tiến bộ mỗi ngày.
 
Nối liền từ bục giảng đến thực tiễn
 
Khi nhắc đến cô giáo Lưu Trương Kim Tuyền, nhiều thế hệ học sinh ở Trường tiểu học Nghĩa Lộ vẫn luôn dành những tình cảm quý mến nhất để nói về cô. Không chỉ quan tâm, chia sẻ với học sinh, cô Tuyền còn truyền tải kiến thức cho học trò của mình theo cách rất khác biệt.
 
Biết môn Tiếng Việt  là một môn mà nhiều học sinh ngại đọc, ngại học, cô Tuyền đã dùng những hình ảnh sinh động, dụng cụ học tập phong phú để thu hút các em. Đặc biệt, cô còn tổ chức hoạt động ngoại khóa sau mỗi chương, phần học trên bục giảng.
 
Bởi với cô, “Đó là cách để nối liền những kiến thức khô khan ở bục giảng đến thực tiễn cuộc sống. Từ đó, giúp các em có cái nhìn sinh động và hiểu thấu được kiến thức mà mình đã truyền tải trên lớp. Không chỉ vậy, hoạt động ngoại khóa môn Tiếng việt còn góp phần tạo ra lối sống văn hóa, học sinh được phát triển cân đối về trí tuệ, đạo đức…”.

 

Cô Tuyền luôn giúp các học sinh của mình hứng thú các với bài giảng khô khan trong sách
Cô Tuyền luôn giúp các học sinh của mình hứng thú các với bài giảng khô khan trong sách
 
Chính cách dạy sáng tạo này đã để lại ấn tượng và lòng yêu mến môn học của các học sinh tiểu học. Em Nguyễn Bình Phương Dung, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Nghĩa Lộ chia sẻ: Em không còn thấy môn Tiếng Việt khô khan qua các giờ học của cô Tuyền. Chúng em được đi chơi thực tế, được thảo luận nhóm vui vẻ thoải mái mà vẫn hiểu được các bài học trong sách nhờ sự hướng dẫn của cô.
 
22 năm gắn bó với nghề, cô giáo Lưu Trương Kim Tuyền đã không ngừng học hỏi, đổi mới cách dạy theo nhu cầu của học sinh. Dù đã là một giáo viên đứng lớp đầy kinh nghiệm, nhưng câu danh ngôn “Học, học nữa, học mãi” chưa bao giờ sai với cô.
 
“Theo tôi, dạy học phải luôn luôn thay đổi, sáng tạo thu hút được sự chú ý của học sinh. Một tiết học thành công phải nhìn vào những kiến thức mà học sinh có được. Muốn như vậy thì giáo viên phải đầu tư tìm tòi những kiến thức mới ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo thì có thêm kiến thức xã hội”- cô Tuyền tâm đắc nói.
 
Yêu trẻ như con!
 
Còn với cô giáo Nguyễn Thị Xuân ở Trường mầm non Nghĩa Trung, tình yêu nghề mến trẻ đã khiến cô đồng hành với nhiều thế hệ học trò trong 12 năm qua. Với tinh thần ham học hỏi, luôn sáng tạo trong cách tiếp cận, chăm sóc trẻ, cô Xuân đã trở thành người mẹ hiền, một nhà giáo “vững tay nghề” tự lúc nào.
 
Về Trường mầm non Nghĩa Trung cách đây gần 5 năm, cô Xuân được giao phụ trách khối Nhà trẻ từ 2-3 tuổi. Đây là độ tuổi các bé làm quen với cuộc sống bên ngoài khuôn viên gia đình nên cô luôn phải nghĩ cách để bé thích đến trường và hứng thú trong các giờ học, sinh hoạt ở lớp.

 

Cô Xuân hướng dẫn các bé cách gấp đồ chơi từ những tờ giấy màu
Cô Xuân hướng dẫn các bé cách gấp đồ chơi từ những tờ giấy màu
 
Sau nhiều ngày trăn trở, cô Xuân đã nghĩ ra cách làm đồ chơi cho trẻ. “Với con trẻ, đồ chơi màu sắc, độc đáo là cách tiếp cận nhanh nhất. Tôi đã sử dụng các sản phẩm phế liệu để làm đồ chơi tái chế cho các bé. Đồ chơi cho các bé thay đổi theo chủ đề nên phong phú, đa dạng. Đồng thời, phải là những mô hình lý thú, bổ ích, thiết thực, an toàn cho cháu khi đến lớp, đến trường”- Cô Xuân nói về bí quyết thu hút trẻ hứng thú đến trường.
 
Do dạy bán trú, nên thời gian làm việc của cô Xuân bắt đầu từ 6 giờ 30 mỗi sáng và chỉ kết thúc sau 17 giờ 30 mỗi chiều. Trong từng ấy thời gian gắn bó với trẻ trong ngày, cô Xuân luôn dành để chăm sóc, trò chuyện, nắm bắt tâm lý các bé. Với cô, thành công của nghề giáo viên mầm non là tạo được tình cảm thân thiết giữa cô và trò, yêu thương, chăm sóc trẻ như con ruột của mình.
 
Nhiều năm gắn bó với nghề, cô Xuân luôn tâm niệm, việc dạy dỗ trẻ mầm non không đơn giản là trông chừng trẻ để bố mẹ có thời gian đi làm. Mà đây là việc góp phần hình thành nên suy nghĩ, nhận thức của trẻ, giúp trẻ có nền tảng phát triển tốt hơn trong những năm tiếp theo.
 
Do vậy, cô luôn đổi mới, thiết kế nhiều sáng kiến giảng dạy phù hợp với trẻ. Thông qua, các giờ “học mà chơi, chơi mà học” với những đồ dùng trực quan, sinh động, cô giáo Xuân đã giúp nhiều thế hệ mầm non có những kiến thức đầu đời theo cách thú vị.
 
Nhờ vào những cống hiến, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của mình, mà hai cô giáo Nguyễn Thị Xuân và Lưu Trương Kim Tuyền là 2 trong số 5 giáo viên ở Quảng Ngãi vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, năm học 2016-2017.
 
Bài, ảnh: An Điền

.