Dạy học sau lũ ở miền núi: Hiểm nguy đường đến trường

08:11, 16/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày sau lũ, trên chặng đường về lại các huyện miền núi để dạy học, các thầy cô giáo ở miền xuôi gặp rất nhiều khó khăn, ẩn họa từ sạt lở núi, lũ quét. Bởi họ phải vượt qua những đoạn đường đầy bùn đất nằm chắn ngang đường, hay những con suối sâu khi cầu bị lũ cuốn trôi.

TIN LIÊN QUAN

Gian nan đường đến trường

Từ sáng 8.11, sau nhiều ngày "tránh lũ", dọn lụt nhà mình tại miền xuôi, các thầy cô giáo trở lại trường. Hành trình đến lớp của các thầy cô hết sức gian nan, khi đường sá bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều cầu cống bị cuốn trôi. Sau khi dốc toàn sức đẩy chiếc xe máy vượt qua 6 điểm sạt lở trên đường Đông Trường Sơn, cô Nguyễn Thị Chi, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Long (Sơn Tây) cho biết, chiều thứ 6 (ngày 3.11) cô và các thầy cô giáo khác đều về xuôi với gia đình và dự kiến chiều chủ nhật, hoặc sáng sớm thứ 2 (6.11) sẽ lên trường. Nhưng do lũ lớn, nên đến sáng thứ 4 (ngày 8.11), sau khi lũ rút cô mới trở lại trường.

Để đến được trường trong những ngày sau lũ đối với thầy cô giáo miền núi là hết sức khó khăn.
Để đến được trường trong những ngày sau lũ đối với thầy cô giáo miền núi là hết sức khó khăn.


“Đoạn đường từ nhà đến trung tâm huyện thì tương đối dễ, do mấy điểm sạt lở đã thông tuyến, nhưng đoạn từ xã Sơn Dung về Sơn Long thì khó lắm. Mình thân con gái, nên dắt được xe máy qua mấy điểm sạt lở đuối luôn. Nếu không được người dân địa phương giúp đẩy xe, chưa chắc đã đến được trường”, cô Chi nói.

Còn cô Nguyễn Thị Hải Huế, giáo viên Trường TH Sơn Màu kể: “Tôi vừa dắt xe, vừa phải nhìn núi. Nhiều lúc đang cố đẩy xe qua điểm sạt lở mà muốn... bỏ xe chạy khi nghe tiếng đất, đá rơi. Bởi hầu hết các điểm sạt lở đều có dấu hiệu không đảm bảo an toàn".

Còn tại huyện miền núi Tây Trà, hàng trăm giáo viên công tác tại đây những ngày qua cũng tất tả ngược núi đến trường. Chặng đường từ huyện Trà Bồng đến trung tâm huyện Tây Trà đã là thử thách quá lớn, khi mà dọc tuyến Tỉnh lộ 622 có đến 9 điểm sạt lở, với hàng trăm khối đất, đá chắn ngang đường. “Để vượt qua được là một thử thách không chỉ về sức khỏe, mà còn về tinh thần nữa. Chưa kể, đường từ trung tâm huyện về trường tôi dạy, cũng gian nan không kém và đây là tuyến đường duy nhất để đến trường. Nhiều lúc vừa đi... vừa run và cầu mong đất đá đừng rơi”, thầy Bùi Văn Biền, công tác tại huyện Tây Trà cho biết.

Đảm bảo an toàn tính mạng cho thầy cô là trên hết

Không chỉ vượt khó để đến trường dạy học, các thầy cô giáo Trường THCS Sơn Long còn xung phong cùng người dân địa phương đến các điểm sạt lở dọn đất mở đường, để việc đi lại dễ dàng hơn. Mặc dù còn rất mệt sau chặng đường dài di chuyển từ đồng bằng lên, nhưng sau khi nhận thông tin của xã huy động người dân ra quân dọn đất đá để thông đường, các thầy cô giáo đều cố gắng cầm cuốc, xẻng ra đường cùng người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Long, cho biết: “Khó khăn, vất vả, nhưng thầy cô công tác ở trường rất nhiệt tình, mấy ngày qua sau giờ lên lớp các thầy cô cùng người dân thông đường, hỗ trợ nhiều người đi lại an toàn, đây là trách nhiệm và cũng là nghĩa cử của thầy cô”.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới cho biết, do mưa lũ và sạt lở núi, nên việc đi lại của thầy cô đang công tác ở huyện Sơn Tây hết sức khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu hết các thầy cô đều cố gắng vượt khó và đến trường an toàn. Đối với những điểm còn sạt lở nặng, Phòng khuyến cáo giáo viên chưa nên đến trường và phải chờ đường thông, mưa tạnh mới đi. Riêng những nơi nguy hiểm và phải đi lại qua sông lớn, lòng hồ thủy điện thì chưa nên đến trường, phải chờ đến khi mọi thứ an toàn mới được đi. “Chậm một vài tiết học có thể dạy bù được, nhưng nguy hiểm ập đến với các thầy cô là mất mát rất lớn, nên các thầy cô không được chủ quan”, thầy Bùi Thế Giới khuyến cáo.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.