Tây Trà “nuôi” chữ

08:03, 03/03/2011
.

(QNĐT)- Nhắc đến huyện miền núi Tây Trà xưa nay người ta nghĩ ngay đến “danh hiệu kép” cho huyện này. Ngoài “danh hiệu” nghèo nhất tỉnh thì đây là nơi có tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm cao nhất tỉnh. Vậy nhưng, giờ thì mọi chuyện đã khác trước. Tây Trà đã lột xác trong việc “nuôi” chữ giữa đại ngàn bốn bề núi cao...
 
TIN LIÊN QUAN


* Thầy “níu” chân trò

Thầy giáo Nguyễn Công Hoà, hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà dẫn chúng tôi đến từng lớp học trong buổi chiều cuối tháng 2. Chỉ tay ngay lên góc phải của tấm bảng trên bục giảng của lớp lớp 11A, nơi ghi sĩ số học sinh, thầy Hoà giải thích: “Hôm nay có 2 học sinh lớp này vắng nhưng có phép vì lý do bị đau chứ không phải bỏ học. So với thời gian sau tết của những năm trước thì không được như thế này”.
 
Học sinh miền núi Tây Trà bước chân... tìm chữ. Chuyện bỏ học không còn là nỗi lo sợ của Tây Trà
Học sinh miền núi Tây Trà bước chân... tìm chữ. Chuyện bỏ học không còn là nỗi lo sợ của Tây Trà.

Nói rồi thầy lại dẫn chúng tôi đến những lớp lân cận. Những dãy bàn đều có học sinh chăm chú theo dõi thầy, cô giáo giảng bài, không còn cảnh... bàn trống như trước. Thầy giáo Hoà thở phào nhẹ nhõm: “Đây là năm đầu tiên nhà trường thoát được vấn nạn học sinh bỏ học”.

Nhờ đâu có được kết quả này? Thầy Hoà nói: “Nhờ thầy đã níu được chân trò”. Nói đoạn, thầy Hoà kể về chuyện níu chân trò mà đội ngũ những nhà giáo ở Tây Trà nỗ lực trong suốt chuỗi thời gian dài để gặt hái được kết quả như hôm nay.

Không dài dòng, không hình thức, thầy Hoà bảo kinh nghiệm hạn chế học sinh bỏ học bằng những việc làm rất cụ, đơn giản như, vào đầu giờ học, giáo viên chủ nhiệm từng lớp có nhiệm vụ kiểm đếm số lượng học sinh của lớp mình. Khi phát hiện có em học sinh nào nghỉ học mà không có lý do thì ngay sau buổi học, giáo viên chủ nhiệm phải lặn lội tìm đến tận nhà, dù đường có xa vạn dặm để tìm hiểu, động viên học sinh, động viên gia đình để các em ra lớp trở lại.

Hay như, trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường xuyên nhắc từng học sinh phải cố gắng học cho được cái chữ để có tương lai, thầy cô giáo luôn ở cạnh học sinh, kịp thời tư vấn và giúp đỡ khi các em gặp khó khăn về kinh tế gia đình, về vấn đề học tập.

Thầy Hoà kể thêm những biện pháp níu chân học trò không ai nghĩ đến mà ngành giáo dục Tây Trà đang áp dụng như, trong những hội thi, hội diễn văn nghệ, phong trào đoàn hội, các trường học luôn cố gắng chọn những học sinh có nguy cơ bỏ học tham gia, ưu tiên cho con em của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Ví dụ bài hát trong đêm diễn văn nghệ chỉ cần 5 học sinh hát là đủ thì mình tăng lên 10 em hát cũng chẳng sao nhưng lại được một việc rất lớn là học sinh được lên hát cảm thấy hạnh phúc, thấy vui và thích đến trường học tập. Chỉ việc nhỏ như vậy cũng đủ để hạn chế được những học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học”-thầy Hoà nói.
 
Phụ huynh là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Trà đã ý thức được việc cho con đi học là việc quan trọng. (Trong ảnh là chị Hồ Thị Lợi trên đường dẫn con đến trường).
Phụ huynh là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Trà đã ý thức được việc cho con đi học là việc quan trọng. (Trong ảnh là chị Hồ Thị Lợi trên đường dẫn con đến trường).

Thầy Phạm Ngọc Sâm, giáo viên Trường THCS xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà bộc bạch: “Nhiều lúc tìm đến nhà các em bỏ học động viên các em phải đi tới 5-7 lần. Thấy chúng tôi nhiệt tình, nên phụ huynh cũng tạo điều kiện để con em mình đi học lại. Nếu chúng tôi không kiên nhẫn, không chịu khó thì khó nuôi được con chữ nơi vùng cao này”.

Từ đầu năm học đến nay, với cách làm của ngành giáo dục huyện Tây Trà đã giúp “kéo” trên 200 học sinh quay lại trường.

* Chữ đã... sáng

Huyện Tây Trà hiện có trên 5.000 học sinh ở các cấp học. Con số này vẫn được duy trì, không tụt dốc xuống thấp trong năm học 2011 này.

Ông Lê Trường Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, người có nhiều năm “vật lộn” với con chữ nơi vùng cao Tây Trà khoe: “Chữ đã sáng lại trên mảnh đất Tây Trà. Chúng tôi đã xoá bỏ được nạn học sinh bỏ học hàng loạt. Bằng chứng là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, huyện có đến 90% học sinh thi đỗ tốt nghiệp. Con số cao nhất từ trước đến nay. Toàn bộ số học sinh đậu tốt nghiệp trong năm 2010, địa phương đã quyết định cho các em đi học dạng cử tuyển”.

Ông Sơn cho biết thêm, khi thấy các anh chị khoá trước được đi học cử tuyển nên các em học sinh khoá sau cũng mong ước được như các anh chị nên quyết tâm bám trường, bám lớp.

Mùa này là mùa cắt đót, mùa lễ hội ở Tây Trà. Vậy nhưng, học sinh đã ý thức, coi chuyện học quan trọng hơn. “Khi nào rảnh thì em mới lên rừng cắt đót kiếm vài chục ngàn. Em nghĩ rằng, cắt đót chỉ kiếm được chút ít tiền vài ngày còn đi học thì có sự nghiệp lâu dài. Em sẽ cố gắng học để mong có công việc làm ổn định”-em Hồ Văn Gom, học sinh lớp 11 trường THPT Tây Trà nói.
 
 Lúc rảnh, em Hồ Văn Chờn mới lên rừng chặt đót để bán lấy tiền mua sách vở đến lớp
Lúc rảnh, em Hồ Văn Chờn mới lên rừng chặt đót để bán lấy tiền mua sách vở đến lớp.

Không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Trà cũng đã thay đổi hẳn cách nghĩ: Bằng việc làm theo lời khuyên của các thầy, cô giáo là tiếp tục cho con mình cắp sách đến trường.

Bây giờ, trên các con đường đất đỏ nơi núi rừng Tây Trà có thể bắt gặp hình ảnh những người mẹ, người cha tất tả dắt con đến trường. Chị Hồ Thị Lợi, xã Trà Lãnh cho biết, con chị mới học lớp 3 nên sáng nào chị cũng đưa con đến trường. “Giờ mình mới biết, cái chữ nó quan trọng với tương lai của con mình như thế nào. Phải cho con học thôi” - chị Lợi quả quyết.

Nghe, thấy chuyện học ở huyện nghèo thuộc diện nhất nước quả thật không ngoa để “phán” rằn con chữ đang theo chân học trò về ở những bản làng người Cor ở Tây Trà...
Trà Phong, tháng 2/2011

Minh Hoàng

.