Phòng ngừa tai nạn lao động trên biển

06:07, 05/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có hơn 45 nghìn lao động nghề biển, làm việc trên 4.500 tàu cá. Để ngư dân an tâm làm việc, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra hoạt động tàu cá, nhằm đảm bảo an toàn cho lao động nghề cá.
 
[links()]
 
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
 
Đã gần 3 năm trôi qua, nhưng anh Võ Văn Toàn, ở TP.Quảng Ngãi, vẫn nhớ như in ngày mình bị tai nạn lao động. Trưa hôm đó, khi đang làm việc trên tàu cá QNg 98848 TS tại vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, anh Toàn bất ngờ bị cáp tời quấn, khiến bàn chân phải bị đứt lìa. Nhờ sự ứng cứu kịp thời của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, anh Toàn đã giữ được mạng sống, nhưng mất đi một phần cơ thể. Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh Toàn trở thành người khuyết tật. Không thể quay lại nghề biển, anh phải tìm kiếm một công việc mới.
 
Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) hỗ trợ cho ngư dân Ngô Tấn Lộc sau khi bị tai nạn lao động trên biển. ẢNH: T.L
Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) hỗ trợ cho ngư dân Ngô Tấn Lộc sau khi bị tai nạn lao động trên biển. ẢNH: T.L
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, khi đang tham gia đánh bắt trên tàu QNg 98888 TS, anh Ngô Tấn Lộc, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), bị ngã từ trên cao xuống, dẫn đến gãy xương. “Tuy đã được cứu chữa kịp thời, nhưng sức khỏe của tôi kém đi trông thấy. Dù đã đi biển trở lại, nhưng tôi chỉ làm được những việc nhẹ”, anh Lộc nói.
 
Hay vào ngày 3/6 vừa qua, vụ tai nạn do va chạm giữa tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Quảng Ngãi với tàu hàng trên vùng biển huyện Thăng Bình (Quảng Nam), khiến 3 ngư dân tử vong. 
 
Ngoài những rủi ro bất khả kháng do thời tiết bất lợi gây nguy hiểm cho tàu cá trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân còn gặp những tình huống dễ bị tổn hại sức khỏe, hoặc tử vong khi lao động trên biển, như: Bị va đập bởi tời máy, bánh lái tàu gặp sự cố; lưới quấn vào chân lôi xuống biển; chấn thương do trượt ngã trên sàn tàu; rơi xuống biển mất tích...
 
Ủy viên Ban Thường vụ Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) Võ Xuân Cẩm chia sẻ, lao động trên biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc thù lao động trên biển lại khá nặng nhọc, lịch sinh hoạt thay đổi, ban ngày thì nghỉ ngơi, ban đêm phải thức trắng để đánh bắt, lại làm việc trong điều kiện sóng gió, trơn trượt. Nhưng người lao động lại chưa được trang bị và đào tạo bài bản, đầy đủ kỹ năng đi biển, kỹ năng đánh bắt và an toàn trên biển. Hầu hết ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, kiến thức từ người đi trước hướng dẫn cho người đi sau, nhiều ngư dân có phần bất cẩn, chủ quan... từ đó dễ dẫn đến tai nạn lao động.
 
Chủ động phòng ngừa rủi ro
 
Để giảm thiểu những tai nạn cho lao động nghề biển, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám định chất lượng tàu, kiểm soát việc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải. 
 
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá được thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, tăng cường kiểm tra, giám sát thật kỹ để ngư dân trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, cũng như trang thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị cứu sinh. Khi gặp sự cố, nếu có đầy đủ trang thiết bị sẽ giảm thiểu thiệt hại về người. Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với các đơn vị đào tạo và các địa phương để đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy cho ngư dân. Thông qua các lớp đào tạo, ngư dân sẽ hiểu thêm về chuyên môn, về đảm bảo an toàn tàu cá và cho bản thân mình khi khai thác hải sản trên biển.
 
Ngoài ra, lực lượng bộ đội biên phòng trong tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, địa phương, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình thời tiết, số lượng tàu hoạt động trên vùng biển, tình hình xảy ra va chạm, tai nạn... để có phương án tìm kiếm, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn gây ra. Bên cạnh đó, các đồn, trạm biên phòng cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức về bảo đảm an toàn cho ngư dân khi lao động trên biển; kiên quyết không cho xuất bến đối với các trường hợp không đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn, không đủ giấy tờ hợp lệ về các điều kiện hoạt động trên biển của phương tiện. 
 
Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho ngư dân
 
Ngư dân Trần Chí Bảng, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, mặc dù trên tàu trang bị đầy đủ tủ thuốc, các thiết bị bảo hộ lao động như áo phao, phao cứu sinh, nhưng tôi chưa được tập huấn về sơ cứu, xử lý tai nạn trên biển. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, chúng tôi đều xử lý theo kinh nghiệm của bản thân. Ngư dân chúng tôi rất mong được học thêm các kiến thức an toàn hàng hải, kỹ năng, cách xử lý ứng cứu cũng như phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp bị tai nạn trên biển.
VŨ YẾN
 
 
 
 

.