Tăng cường tuần tra, kiểm soát vùng rừng giáp ranh

03:07, 04/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Tây có nhiều xã giáp ranh với tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam. Để bảo vệ rừng, ngành chức năng đã tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát vùng giáp ranh.
 
[links()]
 
Huyện Sơn Tây có tổng diện tích rừng trên 30,4 nghìn héc ta. Trong đó, rừng tự nhiên gần 12,6 nghìn héc ta; rừng trồng hơn 17,8 nghìn héc ta. Tỷ lệ độ che phủ rừng (không bao gồm cây phân tán) gần 60%. Từ ngày có tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua địa bàn huyện đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự kết nối vùng giữa huyện Sơn Tây với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Tuy nhiên, khi đường lớn mở ra, các đối tượng lâm tặc khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép thuận lợi tẩu tán tang vật vi phạm.
 
Lực lượng kiểm lâm huyện Sơn Tây tuần tra, bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
Lực lượng kiểm lâm huyện Sơn Tây tuần tra, bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
Xã Sơn Long (Sơn Tây) có địa bàn rộng, nằm giáp ranh với nhiều xã của huyện Kon Plông (Kon Tum) nên công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh luôn được địa phương chú trọng. Tổng diện tích rừng trên địa bàn xã khoảng 4.300ha, trong đó rừng phòng hộ hơn 2.000ha.
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, nhờ thực hiện tốt quy chế phối hợp với các xã trong việc bảo vệ rừng vùng giáp ranh, nên khi tuần tra, truy quét phát hiện có dấu hiệu xâm phạm rừng sẽ lập tức thông báo cho nhau, kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an, ban chỉ huy quân sự xã phối hợp với kiểm lâm địa bàn yêu cầu các đối tượng có dấu hiệu thường xuyên xâm hại rừng ký bản cam kết. Nhờ làm tốt công tác phối hợp và thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, những năm gần đây, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng trên địa bàn xã giảm đáng kể. 
 
Xã Sơn Lập, địa phương giáp ranh với xã Ngọc Tem (Kon Plông)  và xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) cũng từng là “điểm nóng” xảy ra các vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng phá rừng đã được ngăn chặn. Chủ tịch UBND xã Sơn Lập Đinh Công Lập cho hay, công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh ngày càng chuyển biến tích cực. Người dân được hưởng dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Sơn Trà đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Riêng rừng phòng hộ được Ban Quản lý rừng phòng hộ giao khoán cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ.
 
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây Trương Quang Học cho biết, tại những vùng giáp ranh luôn có lực lượng chức năng thay phiên nhau chốt chặn ở các “điểm nóng”. Đơn vị phối hợp với công an huyện tăng cường tuần tra trên các tuyến giao thông mà lâm tặc có khả năng vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã; phối hợp với chính quyền địa phương thống kê các đối tượng chuyên khai thác rừng, buôn bán động vật hoang dã để có biện pháp theo dõi, ngăn chặn kịp thời.
 
Công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sơn Tây tuy chuyển biến tích cực, nhưng vẫn có nguy cơ bị xâm hại cao. Bởi lẽ, ở khu vực giáp ranh có tài nguyên rừng phong phú, nhiều loài thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục phối hợp với công an huyện, các xã có rừng giáp ranh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ rừng. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2022, qua tuần tra, truy quét, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Sơn Tây đã phát hiện và lập biên bản vi phạm 16 vụ xâm hại tài nguyên rừng (chủ yếu ở vùng giáp ranh), xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ. Qua đó, tịch thu hơn 22m3 gỗ tròn, gỗ xẻ thông thường (đã bán thanh lý gần 19m3); phạt tiền hơn 132 triệu đồng. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước gần 336 triệu đồng.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 
 

.