Ngành nông nghiệp: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng

08:02, 22/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thiếu lao động đã qua đào tạo. Thực trạng đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
[links()]
 
Qua khảo sát tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hầu hết lao động làm việc tại đây đều chưa qua đào tạo, chủ yếu làm việc thời vụ. Đơn cử tại Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín, tuy có hàng trăm lao động, nhưng chủ yếu ở độ tuổi trung niên và lớn tuổi, vừa làm, vừa học các thao tác kỹ thuật đơn giản. Vì vậy, dù đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại như nhà lưới, phòng thí nghiệm nuôi cấy mô... nhưng vì không đủ kỹ sư, nên công ty vừa phải đào tạo lao động thời vụ, vừa thông báo tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng. “Lao động trẻ có chuyên môn, được chúng tôi đào tạo qua thực tế, vừa học, vừa làm thì liên tục “nhảy việc”. 
 
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng.  Trong ảnh: Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương kiểm tra tại Phòng nuôi cấy mô của Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng. Trong ảnh: Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương kiểm tra tại Phòng nuôi cấy mô của Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín.
Còn những người gắn bó với công ty thì lớn tuổi, sức khỏe và trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp”, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín Nguyễn Văn Tấn cho biết.
 
Trong khi đó, nhiều kỹ sư nông nghiệp, lao động đã qua đào tạo thì cho rằng, làm việc ngành nghề nông nghiệp thu nhập thấp nhưng yêu cầu nhiều thời gian và công sức. Năm 2010, kỹ sư P.T.D, tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học loại giỏi, được nhiều doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, D quyết định về quê làm việc ở phòng nuôi cấy mô cho một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi. Năm năm sau, D chuyển sang làm cho một đơn vị khác. Công việc chịu áp lực doanh số, cường độ làm việc cao, nhưng thu nhập thấp, vì vậy D về đầu quân cho một cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT. “Làm nông nghiệp quá vất vả, phơi nắng, dầm mưa, giờ giấc thất thường, phải thức khuya dậy sớm cùng sự sinh trưởng phát triển của cây, nhưng thu nhập lại thấp, rất khó gắn bó với nghề”, D bộc bạch.
 
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào sức người và kinh nghiệm, vì thiếu lao động có tay nghề và chuyên môn cao. Theo báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn gần 36,7 triệu người (67% lực lượng lao động cả nước). Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn chỉ đạt 16%, thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị (39,3%). Năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông nghiệp thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, lao động ngành nông nghiệp hiện thiếu kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, thiếu tác phong công nghiệp. Trong khi quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cơ sở đào tạo giảm mạnh.
 
Lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động chất lượng cao không muốn về làm việc ở nông thôn, vì điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, thu nhập thấp, trong khi các chi phí về vật tư, dịch vụ nông nghiệp lại tăng cao. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, để khắc phục tình trạng này, bên cạnh cơ chế đặc thù thu hút nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, cần đa dạng các hoạt động đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, gắn với phát triển kinh tế phi nông nghiệp vùng nông thôn. Đồng thời, đổi mới chính sách đất đai cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp về đầu tư ở nông thôn.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.