Mô hình bán trú cho học sinh tiểu học: Còn khó khăn

02:03, 31/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, ngành giáo dục đã nhân rộng mô hình bán trú cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, việc tổ chức, duy trì chất lượng ở một số trường đang gặp khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Chênh lệch giữa các trường

Hiện nay, ở TP.Quảng Ngãi, nhiều trường vùng ven do điều kiện cơ sở vật chất và việc xã hội hóa công tác bán trú còn khó khăn, nên không thể đáp ứng nhu cầu học tập 2 buổi/ngày cho học sinh. Thậm chí, các “trường điểm” ở nội ô như các trường tiểu học: Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Chánh Lộ... cũng có chênh lệch khá lớn.

Nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) chuẩn bị suất ăn trưa cho học sinh.
Nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) chuẩn bị suất ăn trưa cho học sinh.


Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo do diện tích chỉ có hơn 4.300m2, nên việc triển khai mở rộng cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện bán trú cho học sinh hết sức khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, trường triển khai bán trú cho 332 cháu/7 lớp thuộc ba khối lớp 1, 2, 3. Tuy nhiên, hầu hết học sinh phải tận dụng bàn học làm nơi ngủ trưa.

“Không có phòng ngủ cho học sinh, nên phải kê bàn học làm nơi ngủ. Dù biết có nơi ngủ, nghỉ riêng các em sẽ thoải mái và đảm bảo sức khỏe hơn, nhưng chúng tôi không có cách nào khác. Lớp học vẫn còn thiếu, cần mở rộng, nhưng diện tích quá hẹp. Vì thế, việc xây dựng phòng ngủ bán trú cho học sinh vẫn chỉ là mơ ước”, Hiệu trưởng nhà trường Trịnh Thị Thu Hồng cho hay.

Cũng như Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Trường Tiểu học Chánh Lộ cũng thiếu phòng ngủ. Học sinh khối lớp 1 phải tận dụng phòng học làm nơi ngủ. Khối lớp 2, các cháu ngủ trong điều kiện phòng chật chội. Do thiếu phòng ngủ, nên trường chỉ thực hiện bán trú cho một số lớp khối lớp 1 và 2. Ngoài ra, phòng ăn chật hẹp, trường phải tận dụng hành lang để làm nơi ăn cho một số học sinh lớp 1.

Hiện nay, chỉ có Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm đảm bảo điều kiện bán trú cho học sinh. Với hơn 600 trẻ bán trú ở ba khối lớp 1, 2, 3 và 4 trường có thuận lợi là diện tích khá rộng, nên việc bố trí khu vực ăn uống và nghỉ ngơi cho học sinh khá khoa học. Riêng phòng ăn, phòng ngủ được bố trí riêng, thoáng mát theo từng khối lớp.

Chị Nguyễn Thị Trang, một phụ huynh có con học lớp 1 bán trú ở Trường  Tiểu học Nguyễn Nghiêm, chia sẻ: “So với một số trường, tôi thấy nơi ăn, ngủ của con khá sạch sẽ. Với công việc hành chính nhiều áp lực, không có thời gian đưa đón con, nên khi cho con học bán trú ở đây, tôi rất yên tâm”.

Hiện nay, nhu cầu học bán trú của học sinh rất lớn. Tuy nhiên, toàn TP.Quảng Ngãi chỉ có 369/607 lớp thuộc 37 trường tiểu học có tổ chức dạy hai buổi/ngày và chỉ có 20% lớp tổ chức bán trú.

Nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Qua vụ ngộ độc tập thể tại Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) năm 2018 khiến nhiều em nhập viện do uống trà sữa không đảm bảo vệ sinh, hay vụ việc hơn 200 học sinh của một trường mầm non ở tỉnh Bắc Ninh dương tính với kết quả xét nghiệm nhiễm sán lợn đã và đang là những hồi chuông báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến người dân lo lắng.

Phó Chi cục ATVSTP tỉnh Nguyễn Huy Thao cho biết: Tại các trường không bắt buộc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, nhưng đều có giấy cam kết đảm bảo ATVSTP. Hầu hết các trường đều có hợp đồng với đơn vị cung cấp rau củ quả, thịt, trứng và có bếp ăn một chiều... Tuy nhiên, khó có thể khẳng định nguồn thực phẩm nào sạch, an toàn. Bởi trên địa bàn tỉnh, rất ít các cơ sở đạt chứng nhận cung cấp thực phẩm an toàn.


Bài, ảnh: TRÍ PHONG

 


.