Cần hoàn thiện cơ sở vật chất trường bán trú

03:09, 21/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua 3 năm (2016-2018) thực hiện mô hình Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) ở Tây Trà bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động tại phần lớn các trường vẫn còn theo kiểu “linh động”, vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo...

TIN LIÊN QUAN

Năm học này, thầy và trò Trường PTDTBT THCS Trà Nham rất vui vì chính thức có đủ phòng ở, có nhà ăn và bếp rộng rãi. Đây là ngôi trường thứ hai trong huyện, được đầu tư tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất thiết yếu đối với trường bán trú. Hiện tại, trường có 10 phòng ở, đáp ứng đủ nhu cầu cho hơn 100 học sinh ở lại trường...

Hiệu trưởng nhà trường Lê Minh Cảnh cho biết: Năm học này, trường có 190 em, trong đó có 120 em có nhu cầu ở bán trú. Với việc được quan tâm đầu tư xây dựng mới đủ phòng ở, cùng với nhà ăn, nhà bếp rộng rãi đã giúp các em yên tâm ở lại trường học tập, nhất là vào mùa mưa.

 

 Nhà ăn rộng rãi, thoáng mát của Trường PTDTBT THCS Trà Nham.
Nhà ăn rộng rãi, thoáng mát của Trường PTDTBT THCS Trà Nham.


Theo thầy Cảnh, so với các trường bán trú khác trong huyện thì Trường PTDTBT THCS Trà Nham có đầy đủ những cơ sở thiết yếu. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu bán trú cho hàng trăm học sinh cấp 2, trường cũng gặp một số khó khăn nhất định. Trường không có tường rào cổng ngõ, không có sân chơi cho các em.

Ngoài ra, trường còn thiếu nhà hiệu bộ, phòng học chưa đáp ứng so với số lượng học sinh. Để có phòng làm việc, lãnh đạo nhà trường phải ngăn đôi phòng ở của giáo viên trước đây, nhưng cũng chỉ rộng hơn 10m2. Mặt khác, địa hình khuôn viên nhà trường cũng không thuận lợi. Đường vào cổng trường là con dốc thẳng đứng, nên tất cả các loại xe không thể vào khuôn viên của trường...

Theo lãnh đạo UBND huyện Tây Trà, mặc dù địa phương đã dành sự quan tâm đầu tư rất lớn về kinh phí, để xây dựng cơ sở vật chất thiết yếu cho các trường học, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục. Tiêu chuẩn của trường bán trú là phải có nhà ở, bếp ăn, nhà ăn, khu vệ sinh, sân chơi..., nhưng phần lớn các trường bán trú trên địa bàn huyện, đều chưa có đầy đủ những khu chức năng nói trên. Hiện tại chỉ có trường học bán trú ở xã Trà Nham và Trà Lãnh được đầu tư các công trình thiết yếu đầy đủ, số còn lại hoạt động trong điều kiện tạm bợ...

Hiện nay, UBND huyện Tây Trà đang chỉ đạo ngành giáo dục và chính quyền địa phương duy trì chất lượng hoạt động tại các trường bán trú; khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Kể từ khi đưa vào hoạt động mô hình trường học bán trú, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ học sinh bậc mầm non, tiểu học suy dinh dưỡng. Các nguồn hỗ trợ cho học sinh đều được quản lý chặt chẽ, cấp phát kịp thời cho học sinh.

Mới đây, Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường PTDTBT cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, huyện đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm xây dựng kế hoạch để thực hiện chủ trương này, giúp học sinh Tây Trà sớm được hưởng chính sách của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.


Bài, ảnh: X.THIÊN


 


.