Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý":
Cô giáo trẻ hết lòng vì học sinh vùng cao

09:02, 23/02/2018
.

 

LTS: Nhằm phát hiện, biểu dương, nhân rộng “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, gương điển hình “Người tốt, việc tốt làm theo lời Bác” trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và trong các tầng lớp nhân dân; đưa nội dung học tập và làm theo Bác ngày càng có chất lượng, trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương; mỗi đảng viên, CB, CCVC và nhân dân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Báo Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trên báo Quảng Ngãi, giai đoạn 2018-2020.
 
(Báo Quảng Ngãi)- Mùa này, con đường từ TP.Quảng Ngãi đến xã Ba Giang (Ba Tơ) như xa hơn bởi những đợt mưa và gió lạnh. Thế nhưng, chỉ cần có chuyến hàng hay quà tặng nào của mạnh thường quân gửi về cho học sinh của mình là cô giáo Phùng Thị Mỹ Hạnh không ngần ngại vượt chặng đường dài đến nhận, để trao gửi những phần quà đong đầy tình yêu thương đến từng cô cậu học trò.
 
Hơn ai hết, cô Hạnh biết, những học trò vùng cao đang cần những nhu yếu phẩm như vậy, để các em vững bước đến trường.
 

Vì học sinh vùng cao

Dạy học ở Trường Tiểu học & THCS Ba Giang đã nhiều năm, cô Hạnh thấy các em chịu nhiều thiệt thòi. Trước kia chưa có người nấu ăn, có lúc các em chỉ ăn cơm với muối mang theo. Chính vì thế mà, cùng với tình cảm dành cho học sinh của mình, cô Hạnh luôn tìm cách giúp đỡ các em. “Điều đó như cái duyên thôi, bởi công việc chuyên môn, gia đình và hai con nhỏ đã chiếm hết thời gian. Nhưng điều may mắn là tôi có gia đình hỗ trợ, đồng nghiệp ủng hộ, nên đã tiếp thêm sức mạnh, để tôi cố gắng nhiều hơn nữa”, cô Hạnh bộc bạch.
Cô giáo Phùng Thị Mỹ Hạnh trò chuyện cùng với học sinh bán trú tại khu nhà ở.
Cô giáo Phùng Thị Mỹ Hạnh trò chuyện cùng với học sinh bán trú tại khu nhà ở.


Nhiều năm qua, chẳng thể kể được hết những đóng góp của cô Hạnh cùng với đồng nghiệp của mình vì việc học tập của học sinh vùng cao. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến, cô Hạnh chỉ mỉm cười cho rằng: Chẳng có gì lớn lao so với những khó khăn, thiếu thốn ở miền núi.
 

Kết nối những tấm lòng gần xa để giúp đỡ học trò nghèo miền núi như cái duyên thôi, bởi công việc chuyên môn, gia đình và hai con nhỏ đã chiếm hết thời gian. Nhưng điều may mắn là tôi có gia đình hỗ trợ, đồng nghiệp ủng hộ, nên đã tiếp thêm sức mạnh, để tôi cố gắng nhiều hơn nữa”.
Cô giáo PHÙNG THỊ MỸ HẠNH Trường Tiểu học & THCS Ba Giang (Ba Tơ)

Những năm trước, học trò vùng cao chưa có bữa ăn ngon đúng nghĩa, chứ nói gì biết đến Trung thu. Vậy là cô Hạnh quy tụ những tấm lòng tổ chức cho các em ngày hội Trung thu, với bữa ăn mặn và bánh kẹo. “Năm 2013 tổ chức Trung thu, mọi người đi mượn lân về biểu diễn cho các em xem. Đó là lần đầu tiên học sinh Ba Giang biết đến Trung thu. Những năm về sau, chương trình Trung thu được tổ chức chu đáo cho các em từ mầm non đến phổ thông trong toàn xã, nhằm động viên tinh thần các em”, cô Hạnh chia sẻ.

Ở Ba Giang, có những nơi học sinh đi bộ cả ngày mới đến trường. Trong khi vào mùa mưa, đi lại rất vất vả, nguy hiểm, phải vận động các em ở lại. Trước đây, các em tự dựng lều gần khu vực trường để ở. Sau đó, nhà trường tận dụng một cơ sở xây dựng dở dang, bỏ trống cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đội nhóm thiện nguyện như nhóm Facebook Quảng Ngãi, nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và mạnh thường quân khắp nơi đã duy trì nơi ở cho các em. Sau này, cô Hạnh vận động sửa sang thêm, nhờ đó mà bây giờ dẫu còn nhiều thiếu thốn, nhưng "mái ấm" này cơ bản đã đảm bảo nơi ở, học bài cho học sinh ở lại trường.

Hay như những hoạt động trao học bổng, tặng áo ấm cho các em không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn có ý nghĩa sâu sắc, động viên học sinh vùng cao tiếp bước đến trường... Cứ thế, có những lần mạnh thường quân gửi quà tặng, hàng hóa về bến xe Quảng Ngãi hay các điểm học đường, dù là phụ nữ, cô Hạnh chẳng ngại đường xa chạy xe máy xuống chở về cho các em.

Những công trình ý nghĩa

Bây giờ, sân Trường TH&THCS Ba Giang không còn cảnh nắng bụi mưa bùn mà đã được lót gạch sạch sẽ, khang trang. Đó là một trong những công trình đầy tâm huyết mà cô Hạnh đã kêu gọi, vận động các mạnh thường quân chung tay góp sức lo cho học sinh vùng cao.

Để thi công sân trường với số tiền mạnh thường quân gửi gắm, cô Hạnh phải tính toán kỹ lưỡng từng viên gạch, tìm hiểu giá cả khắp nơi, rồi chọn nơi bán vật liệu xây dựng có giá rẻ nhất để tiết kiệm kinh phí. “Từng đồng tiền của mạnh thường quân rất đáng quý, nên phải dè xẻn, tính toán chi ly, dùng đúng mục đích. Tôi là giáo viên dạy Văn, nhưng sau giờ dạy vẫn bắt tay vào tính toán khối lượng công việc, nguyên vật liệu”, cô Hạnh kể.

Cô giáo Phùng Thị Mỹ Hạnh hướng dẫn học sinh sắp xếp quần áo tại khu nhà ở còn nhiều thiếu thốn.
Cô giáo Phùng Thị Mỹ Hạnh hướng dẫn học sinh sắp xếp quần áo tại khu nhà ở còn nhiều thiếu thốn.


Còn điểm trường Gò Khôn cách điểm trường chính mấy tiếng đồng hồ đi bộ. Trước đây các thầy cô giáo dạy học tại điểm trường Gò Khôn phải ở tạm dưới gầm nhà văn hóa vừa thấp, vừa lạnh. Cô Hạnh đã vận động kêu gọi xây dựng nhà ở cho giáo viên ở Gò Khôn để thầy cô có nơi ở đảm bảo hơn.

Nói về cô giáo Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Ba Giang Phạm Tiến Dũng cho hay: “Trong quá trình công tác, cô Hạnh là giáo viên có năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và tích cực tham gia các hoạt động. Điều ít ai làm được đó là cô Hạnh đã kết nối, vận động các tấm lòng gần xa hướng đến học sinh miền núi. Ba Giang là một trong những vùng sâu vùng xa, kinh tế đặc biệt khó khăn, công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần ý nghĩa vào việc nâng cao chất lượng dạy và học”.

Vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn triền miên ở miền núi nhất là một trong những nơi như Ba Giang. Thế nên, cô Hạnh vẫn luôn trăn trở vì kinh phí mới chỉ thi công 2/3 sân trường; chỗ bán trú còn tạm bợ; học sinh vùng cao còn thiếu cái ăn cái mặc...

Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng với tâm huyết trong sự nghiệp trồng người và đam mê công tác thiện nguyện, cô Hạnh vẫn mải miết cùng đồng nghiệp chung tay góp phần mang đến niềm vui cho học sinh miền núi.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.