Nỗi niềm giáo viên vùng cao

02:10, 25/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở các điểm trường tiểu học xã Ba Dinh (Ba Tơ), học sinh đồng bào Hrê chiếm đa số. Vì thế, thầy cô giáo phải học thêm tiếng Hrê để hiểu phong tục, tập quán, truyền đạt bài giảng cho các em...

TIN LIÊN QUAN

Đã quá trưa, nhưng lớp học 4C thuộc phân hiệu Trường Tiểu học thôn Nước Tiên, xã Ba Dinh, do cô Ngô Thị Nghiệm chủ nhiệm vẫn còn vang tiếng đọc bài. Trong thanh âm của tiếng phổ thông phát ra lúc giảng bài của cô giáo, đôi lúc chúng tôi còn được nghe cả tiếng của đồng bào Hrê xen lẫn.

Cô giáo Nghiệm giải thích: “Có nhiều em chưa hiểu được nghĩa của từ phổ thông. Những hiện vật, sự việc xung quanh các em chưa biết dùng từ ngữ nào để thể hiện, nên trong lúc giảng phải xen lẫn tiếng của đồng bào để các em hiểu”.

Cô giáo tiểu học vùng cao xã Ba Dinh ân cần hướng dẫn các em trong học tập.
Cô giáo tiểu học vùng cao xã Ba Dinh ân cần hướng dẫn các em trong học tập.


Cô Nghiệm quê xã Đức Nhuận (Mộ Đức), đến vùng cao Ba Tơ dạy học đã hơn 34 năm. Ngày đó, dù cô đã chuẩn bị tâm lý đối với tập quán sinh hoạt, ngôn ngữ của đồng bào Hrê, nhưng đôi lúc cũng khó khăn cho cả cô lẫn trò, vì cô nói trò không hiểu, trò nói cô không biết. Đây chính là lý do để  cô Nghiệm phải học tiếng Hrê. Việc học của cô bằng rất nhiều cách, như thông qua người già trong làng, học cử chỉ, hành động, lúc các em nói chuyện với nhau...

Đến nay, hơn 34 năm trong nghề, cô Nghiệm đã hiểu được tiếng, tập quán của đồng bào Hrê được  80%. Vì thế, mỗi khi các em ngơ ngác không hiểu, cô Nghiệm dịu giọng, nhẹ nhàng nói tiếng Hrê chỉ bảo cho các em. Cô còn dùng hình ảnh để giải thích, khi thì dùng tiếng Hrê giảng giải cho các em hiểu bài. Nhờ đó, lớp học của cô lúc nào cũng sôi nổi, sĩ số học sinh lên lớp cao nhất trường.

“Dạy học vùng cao mà không biết tiếng đồng bào thì rất khó truyền đạt kiến thức”, cô giáo Võ Thị Thúy Hằng,  dạy lớp 1 của trường cho biết thêm. Cũng theo cô Hằng, học sinh ở lứa tuổi này hiểu sự vật xung quanh chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ (Hrê). Khi đến trường, thầy cô mất nhiều thời gian để uốn nắn các em học tiếng Việt nên vô cùng vất vả. Đôi khi các em muốn đi vệ sinh cũng không biết nói, hay bị đau cũng không thể báo với cô giáo chỉ vì bất đồng ngôn ngữ.

Cô giáo Huỳnh Thị Kim Luyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Dinh cho biết: Trường có 1 điểm chính và 4 phân hiệu. Mỗi điểm trường đều có một giáo viên đồng bào thuần tiếng Hrê để khi những giáo viên người Kinh dạy học ở trường không hiểu được tiếng đồng bào, thì có thể nhờ giáo viên người Hrê giải thích. Tại điểm trường thôn Nước Tiên, cô giáo Phạm Thị Sen là giáo viên đứng cánh chịu trách nhiệm thông dịch cho các cô giáo khác.

Chuyện giúp đồng nghiệp thông dịch tiếng Việt thành tiếng Hrê và ngược lại không phải là chuyện đơn thuần, mà ở đó thể hiện tinh thần đồng nghiệp, lòng yêu nghề, yêu trẻ và tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục của các thầy cô giáo ở huyện Ba Tơ nói riêng, các huyện miền núi trong tỉnh nói chung.      
          

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.