Ước vọng của trò nghèo

02:01, 31/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Các em hãy ghi nhớ, trân trọng tấm lòng của những người đã giúp đỡ mình và phải cố gắng học tập cho thật tốt”, thầy giáo Nguyễn Hường-Hiệu trưởng Trường THCS Bình An (Bình Sơn) căn dặn các em học sinh...

TIN LIÊN QUAN

Ngày cuối năm, trời nắng chói nhưng vẫn lạnh buốt. Chúng tôi cùng với cựu học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn và Trường nữ Trung học Quảng Ngãi (1961-1975), những người mái tóc nay đã nhuốm màu sương sớm, đến với học trò nghèo ở xã Bình An.     Thầy và trò Trường THCS Bình An đã có mặt tại trường từ rất sớm. Cuộc sống thường ngày lẫn điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng các em vẫn rạng ngời nụ cười. Đôi mắt trẻ thơ vẫn óng ánh niềm tin vào ngày mai tươi sáng.

Em Đinh Thị Thơm vui mừng khi được hỗ trợ bò.
Em Đinh Thị Thơm vui mừng khi được hỗ trợ bò.


Thầy giáo Nguyễn Hường-Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong số 184 học sinh có 40 em là người đồng bào dân tộc Cor. Đa số học sinh ở đây có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học. “Về mặt giáo dục có chuyển biến tích cực, nhưng hiệu quả thì chưa cao lắm. Thầy trò chúng tôi đang từng ngày cố gắng”, thầy giáo Hường nói. Mỗi chúng tôi sau khi “mục sở thị” cơ sở vật chất đều hết sức sẻ chia với những khó khăn của nhà trường.

Ngoài phòng máy vi tính được trang bị năm 2013, Trường THCS Bình An không có phòng học chức năng nào khác. Đối với học trò ở Bình An đây là một thiệt thòi lớn. Nhà hiệu bộ, phòng hội đồng… đều rất tạm bợ. Ngay cả sàn lớp học từ lâu gạch đã bong tróc, nham nhở nhưng vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa. Để thầy và trò Trường THCS Bình An dạy tốt, học tốt cần lắm sự quan tâm đầu tư hơn nữa của ngành giáo dục và chính quyền địa phương.

Cựu học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn và Trường nữ Trung học Quảng Ngãi đã tặng quà cho tất cả học sinh của trường. Mỗi em đều được tặng áo ấm và bánh, kẹo. Trong cái lạnh cuối mùa đông, các em học trò nghèo ở Bình An đều cảm thấy ấm áp vì đón nhận tình cảm nồng ấm từ những người một thời cũng tung tăng cắp sách đến trường với bao ước mơ và hoài bão. Vui nhất có lẽ là em Đinh Thị Thơm, học sinh lớp 9. Hôm ấy Thơm được các cô, chú tặng cho một con bò trị giá hơn 12 triệu đồng để “làm vốn” và hỗ trợ tiền xây dựng chuồng. Ai nấy cũng đều mừng cho Thơm. Cô bé cảm động chẳng nói nên lời. Nghẹn ngào giây lát rồi Thơm bảo: “Em vui nhiều lắm. Lâu nay mong ước có bò nuôi, nhưng nhà không có tiền…”.

Đinh Thị Thơm là học sinh người dân tộc thiểu số giàu nghị lực. Ai nấy cũng đều khen cô bé xinh xắn, ngoan hiền. Thơm đã dẫn cả đoàn cuốc bộ về thăm nhà. Trên suốt chặng đường đi gần nửa tiếng đồng hồ, Thơm đã chia sẻ về những gian lao, vất vả và cả khát vọng trong cuộc sống. Ở lứa tuổi mà lẽ ra không phải nặng gánh lo toan chuyện mưu sinh, thế mà hằng ngày sau giờ học em phải làm đủ thứ việc để kiếm tiền ăn học và phụ giúp bà nội. Bố mẹ Thơm ly hôn khi em chưa đầy 1 tuổi. Bố lấy vợ khác, mẹ cũng lo cho cuộc sống của riêng mình, Thơm và chị gái ở với bà nội nay đã 94 tuổi.

Cuộc sống hằng ngày bữa đói bữa no, nhưng Thơm vẫn là học sinh thuộc tốp đầu về học lực. Năm cấp I em luôn đạt học sinh giỏi, lên cấp II thì nhiều năm liền đạt học sinh tiên tiến. Thơm cho biết chị gái học xong lớp 9 thì nghỉ học, mới đây người ta thuê đi giúp việc lương tháng 1,5 triệu đồng. Ngôi nhà nhỏ mà bà cháu Thơm đang ở trống hoác, chỉ có sách, vở của Thơm là xếp ngay ngắn trên chiếc bàn nhỏ. Lúc nào trên khuôn mặt cô bé cũng cười tươi. Lúc chia tay chúng tôi, Thơm cười hiền bảo: “Em sẽ cố gắng nuôi để bò chóng lớn, để nó đẻ con, sau này kiếm tiền đi học đại học”.

Mong rằng ước vọng được học tập của cô bé Đinh Thị Thơm cũng như của rất nhiều học trò nghèo sẽ trở thành hiện thực và sẽ được tiếp sức bởi nghị lực và tình cảm tương thân, tương ái của những con người giàu lòng nhân ái.  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.