Không đánh bắt ven bờ khi biển động

01:11, 17/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuối năm, biển động, cá tôm ven bờ nhiều, nên nghề đánh bắt ven bờ trở nên hấp dẫn. Để hạn chế những rủi ro, các đồn biên phòng đóng quân dọc khu vực biển đã tích cực tuyên truyền, nhằm tránh những tai nạn có thể xảy ra đối với ngư dân.

TIN LIÊN QUAN

Thời tiết những tháng cuối năm không ổn định, khu vực vùng biển Quảng Ngãi luôn có gió to, sóng lớn. Vì thế, ngư dân không thể ra khơi xa để đánh bắt, nên họ đành phải mưu sinh ở vùng biển ven bờ. Phương tiện hành nghề ven bờ chủ yếu là bằng thúng chai, ghe thuyền nhỏ nên luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.

Một năm trước, vào chiều 15.12.2015, hai ngư dân Nguyễn Văn Ba (43 tuổi) và Nguyễn Văn Lộc (27 tuổi) ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) dùng chiếc tàu cá hơn 10 mã lực ra khu vực ven bờ đánh bắt thì bị sóng đánh chìm tàu và chết đuối, gia đình và lực lượng chức năng mất nhiều thời gian và huy động nhiều phương tiện tìm kiếm.

Tại các vùng biển bãi ngang như Bình Hải (Bình Sơn), Đức Minh (Mộ Đức)... vào mùa biển động năm nào cũng xảy ra tai nạn. Nghiêm trọng thì chết người, may mắn hơn thì bị thương hoặc mất hết ngư lưới cụ, phương tiện. Tuy nhiên, số lượng ngư dân tham gia đánh bắt ven bờ vẫn thường xuyên diễn ra, kể cả khi biển động.

Bội đội Biên phòng yêu cầu ngư dân đánh bắt ven bờ không được ra khơi khi biển động.
Bội đội Biên phòng yêu cầu ngư dân đánh bắt ven bờ không được ra khơi khi biển động.

Ngư dân Nguyễn Văn Thạnh, hành nghề đánh bắt gần bờ ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), cho biết: Khi biển động, khu vực ven bờ nước đục nên các loại hải sản vào gần bờ rất nhiều. Mặt khác, khi thời tiết xấu thì giá hải sản cũng khá cao, nên kích thích ngư dân ra khơi. Vì thế, ngư dân hành nghề đánh bắt ven bờ xem mùa biển động là mùa làm ăn khấm khá nhất trong năm.

Quảng Ngãi có bờ biển dài, phần lớn là bãi ngang, nên số lượng ngư dân hành nghề đánh bắt ven bờ rất lớn.

Trước thực trạng đó, vào mùa biển động, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng thường xuyên tuyên truyền cho bà con không nên ra biển khi thời tiết xấu. Thiếu tá Huỳnh Đức Tin – Phó Đồn trưởng Đồn BP Bình Hải (BĐBP tỉnh), cho biết: Đơn vị quản lý địa bàn xã Bình Hải, Bình Phú và Bình Châu, trong đó có 2 xã bãi ngang là Bình Hải và Bình Phú. Nơi đây phần lớn ngư dân hành nghề đánh bắt ven bờ bằng thúng chai và thúng gắn máy. Khi thời tiết xấu, những phương tiện thô sơ khó chống chọi với gió to, sóng lớn. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, nên nhiều người vẫn lén lút ra khơi.

Để hạn chế những tai nạn cho ngư dân, trước mỗi mùa mưa bão, đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể tại địa bàn phụ trách để tuyên truyền cho ngư dân, không nên vì cái lợi trước mắt mà bất chấp nguy hiểm. Đơn vị còn cử cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên theo dõi, không cho ngư dân ra khơi đánh bắt khi biển động.

Còn trung úy Phạm Minh Hùng – Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Bình Thạnh, thuộc Đồn BP Bình Đông, cho biết: Trạm được cấp một ca nô nên khi thời tiết xấu, chúng tôi tổ chức tuần tra trong khu vực cửa biển Sa Cần để kêu gọi ngư dân không ra khơi; ngăn chặn một số người lén lút ra khơi. Từ khi có ca nô tuần tra, việc kiểm soát tàu cá ra biển đánh bắt khi biển động hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: X.THIÊN


 


.