Làng biển... "đi lùi"

09:10, 08/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từng là một làng chài sầm uất bậc nhất của tỉnh, với những đội tàu công suất lớn tiên phong đánh bắt những nghề mới. Thế nhưng, nghề biển tại xã Đức Lợi (Mộ Đức) giờ đây lại trở nên đìu hiu, chỉ còn hơn trăm chiếc tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ...
Hắt hiu làng chài
 
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, xiêu vẹo nằm bên cạnh bờ kè sông Vệ, ngư dân Lê Bá Nhựt tất bật phụ vợ phân loại phế liệu cho kịp chuyến hàng buổi chiều. Hơn 40 tuổi đời, 22 năm gắn bó với nghề biển, vậy mà giờ đây, anh Nhựt phải chuyển sang nghề thu mua phế liệu để mưu sinh. 
 
Ngư dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) chỉ dám sắm tàu nhỏ, máy nhỏ để đánh bắt gần bờ.
Ngư dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) chỉ dám sắm tàu nhỏ, máy nhỏ để đánh bắt gần bờ.
“Tôi đi bạn cho các tàu ở xã Phổ An, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) gần 20 năm, mới gom góp được một ít vốn. Sau đó, phải vay mượn thêm mới đủ tiền đóng tàu. Vậy mà vừa ra khơi, thì gặp ngay cửa biển bồi lấp làm thuyền mắc cạn, rồi bị sóng đánh chìm. Không còn phương tiện mưu sinh. Hơn nữa, năm nay sản lượng, giá cả thủy sản thất thu, nên các thuyền mà tôi từng đi bạn đều nằm bờ cả. Thành thử, tôi và vợ phải chuyển nghề để xoay trở, kiếm tiền trả nợ”, anh Nhựt kể.
 
Từng là một trong những ngư dân lão luyện của làng chài Đức Lợi, năm 1986, ông đã đóng mới thành công cặp tàu giã cào, vậy mà giờ đây, lão ngư Phạm Minh Thư (76 tuổi), ở thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi cùng hai con trai là ông Phạm Minh Tùng, Phạm Minh Việt buộc phải giã từ nghề biển để rẽ lối mưu sinh sau nhiều năm đánh bắt thất bát.
 
“Tàu thuyền ngày càng đông, trong khi sản lượng thì cạn kiệt dần, nên nghề biển gần bờ không còn nuôi sống được ngư dân nữa. Hai con trai của tôi giờ cũng đã ly hương, xin vào nhà máy làm công nhân. Còn tôi, ở nhà nuôi gà, nuôi heo đắp đổi qua ngày. Chúng tôi cũng từng tính đến chuyện đóng tàu lớn để vươn khơi xa, nhưng kinh nghiệm hạn chế, luồng lạch ra vào thì cạn lên cạn xuống, nên đâu ai dám liều...”, ông Thư cho biết.
 
Bao giờ cho đến... ngày xưa?
 
Trong quá khứ, Đức Lợi từng là xã biển tiên phong đánh bắt theo mô hình liên kết tổ hợp đánh bắt và được Nhà nước ưu đãi vốn vay. Nhờ mạnh dạn đầu tư, đoàn kết trong sản xuất, nên từ những năm 80 của thế kỷ trước, xã Đức Lợi có hơn 30 chiếc tàu công suất trên 30CV (đây là công suất khá lớn thời bấy giờ) và chiều dài tàu lên đến 18 - 20m, chuyên đánh bắt ở vùng lộng và xa bờ.
 
Từng có nghề biển phát triển hưng thịnh, ấy vậy mà nay, nghề biển ở xã Đức Lợi lại đang “đi lùi”, khi số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nơi đây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Toàn xã có tổng cộng 112 chiếc tàu, thì hầu hết đều đánh bắt gần bờ theo kiểu sáng đi, chiều về. Ngư dân trên địa bàn xã có hơn 900 người, thì phân nửa trong số đó phải tỏa về các địa phương khác để đi bạn.
 
“Địa phương không có chỗ cho tàu thuyền neo đậu, ngư dân khó đóng mới tàu công suất lớn, dẫn đến hệ quả là nghề cá khó phát triển. Hơn nữa, 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào, địa phương cũng có trường hợp tàu thuyền bị mắc cạn khi ra vào cửa Lở. Thành thử, chỉ khi nào ổn định được luồng lạch ra vào và xây dựng được khu vực neo đậu tàu thuyền an toàn, ngư dân mới mạnh dạn sắm tàu mới, máy mới để vực dậy nghề biển”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Văn Tiến kiến nghị.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 

.