Nghề đan vá lưới thịnh hành ở nhiều làng biển

05:07, 08/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Trong lúc thanh niên trai tráng vất vả đi biển, chị em phụ nữ vùng ven biển cũng tìm cho mình nhiều việc làm tại chỗ để cải thiện kinh tế gia đình. Trong đó, nghề đan vá lưới đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.

 
Cơ sở đan vá lưới của ông Lê Văn Trọng, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi đã hoạt động liên tiếp 7 năm. Dù đã thuê hơn 40 lao động làm việc với năng suất cao nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các tàu cá ở địa phương. Tại đây, trung bình mỗi năm cơ sở xuất bán từ 500- 600 bộ lưới, trong đó chủ yếu là lưới dùng cho các tàu có công suất lớn từ 500  đến trên 1.000 mã lực.  
 
Các lao động làm nghề đan vá lưới ở cơ sở của ông Trọng chủ yếu là chị em phụ nữ vùng biển. Công việc ổn định tại chỗ với thu nhập khá đã thu hút họ đến với nghề. Vừa tỉ mẩn với từng mũi đan, chị Lê Thị Sáu cho biết, làm nghề này đòi hỏi tính kiên trì, bởi công việc ngồi đan mải miết cả ngày, người làm nghề phải đan đều mắt lưới và chặt nút đảm bảo cho tấm lưới chắc chắn mới phát huy hiệu quả khai thác ngoài biển.

 

Nghề đan vá lưới với thu nhập ổn định đang thu hút rất nhiều phụ nữ làng biển theo làm
Nghề đan vá lưới với thu nhập ổn định đang thu hút rất nhiều phụ nữ làng biển.

 

Chị em ai cũng phấn khởi vì có việc làm tại chỗ, không phải đi xa, lại đảm bảo ngư lưới cụ cho chồng con yên tâm bám biển. Chị Sáu cho biết thêm: “Mình ở biển thì làm nghề này, ngày thu nhập 100-200 nghìn đồng. Mấy tháng tàu đi khơi thì tranh thủ đan lưới mới. Còn những mùa biển động, các tàu về nhiều thì vá lưới. Lưới rách nhiều thì vá nhiều, rách ít thì vá ít. Nghề này phù hợp lại ổn định công việc, gần nhà gần cửa”.
 
Trung bình, mỗi cơ sở lớn có từ 40-50 lao động, cơ sở nhỏ có khoảng 10-20 lao động. Từ nghề đan vá lưới, hàng trăm lao động nhàn rỗi ở các vùng biển có thu nhập ổn định, góp phần tích cực vào phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương.
 
Không chỉ tạo việc làm cho lao động nữ, nhiều lao động nam lớn tuổi, không đủ sức khỏe đi biển cũng có việc làm, kiếm thêm thu nhập từ nghề này. Ông Trần Văn Thế ngụ ở xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi từng là ngư dân dày dặn kinh nghiệm đi biển. Đến tuổi lục tuần, ông lại gắn bó với biển bằng nghề đan vá lưới. Ông Thế chia sẻ: Mấy năm trước tôi đi biển, nhưng giờ già yếu rồi không làm gì nữa thì làm nghề này để kiếm tiền nuôi vợ con. Đây là cách để tôi cảm thấy không bị hụt hẫng khi không đi biển nữa. Thu nhập bình quân cũng được 5-6 triệu đồng/tháng.

 

Lưới được sản xuất chất lượng nên các cơ sở ngư lưới cụ ở Quảng Ngãi có cơ hội vươn ra thị trường ngoài tỉnh
Lưới được sản xuất chất lượng nên các cơ sở ngư lưới cụ ở Quảng Ngãi có cơ hội vươn ra thị trường ngoài tỉnh.

 

Quảng Ngãi có nghề khai thác thủy sản đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các nghề lưới kéo, vây, rê, câu, lặn… Trong đó, số tàu cá đánh bắt cần đến lưới đã chiếm hơn nửa. Sau mỗi chuyến ra khơi đánh cá, lưới thường bị rách. Để đảm bảo ngư lưới cụ cho những chuyến ra khơi tiếp theo, ngư dân thường nhờ đến nghề đan vá lưới. Riêng ở TP.Quảng Ngãi đã có hơn 20 cơ sở sản xuất qui mô lớn và hàng trăm cơ sở nhỏ ở các xã Nghĩa An, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa.
 
Ông Bùi Vạn Khoa - Phó chủ tịch Hội nông dân TP.Quảng Ngãi cho hay:  Những năm gần đây, nghề ngư lưới cụ ở TP. Quảng Ngãi phát triển rất hiệu quả. Hội nông dân cũng đã và đang tác động hỗ trợ đất đai cơ sở, quảng bá hình ảnh giới thiệu sản phẩm, tạo nguồn vốn vay đáp ứng nghề ngư lưới cụ.
 
Sản phẩm của các cơ sở hành nghề ngư lưới cụ không chỉ cung cấp thị trường trong tỉnh mà còn phân phối khắp các vùng biển của các tỉnh, thành trong cả nước. Nói về bí quyết thu hút được số lượng đơn đặt hàng lớn, ông Lê Văn Trọng- chủ cơ sở đan lưới ở xã Nghĩa An chia sẻ: Mình vừa sản xuất vừa hỏi ý kiến ngư dân để học hỏi cách đan lưới sao cho đánh bắt hiệu quả. Nếu không hiệu quả thì phải điều chỉnh để sửa lại sao cho đạt. Lưới làm ra mà đánh bắt tốt thì mới có nhiều tàu cá mua.
 
Quảng Ngãi có 4 huyện ven biển và 1 huyện đảo với hơn 5.550 tàu cá có tổng công suất hơn 1,2 triệu CV đang hoạt động ở các vùng biển của Việt Nam. Sản lượng khai thác trung bình mỗi năm đạt 150 nghìn tấn hải sản. Từ đầu năm 2017 đến nay, sản lượng khai thác hải sản Quảng Ngãi đạt hơn 83 nghìn tấn hải sản. Có được kết quả ấy, là nhờ vào sự đóng góp không nhỏ từ nghề ngư lưới cụ của người dân ở vùng ven biển.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương
 

.