Người phụ nữ có tinh thần vượt khó

02:05, 20/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 30 năm qua, bà Phạm Thị Ninh, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) là trụ cột của gia đình và nuôi dạy các con trưởng thành. Trải qua nhiều biến cố và khó khăn, nhưng bà Ninh vẫn gắn bó với nghề sản xuất gối từ bông gòn, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo ở địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Bà Ninh nguyên là một thợ may lành nghề, khi lấy chồng bà tìm thêm công việc để lo cho kinh tế gia đình và đó là nghề làm gối bằng bông gòn thủ công. Theo bà Ninh, mỗi năm cây gòn chỉ ra hoa và kết trái một lần nên cứ tầm tháng 2 đến tháng 3, khi gòn nở rộ, cũng là lúc vợ chồng bà rong ruổi khắp các nẻo đường tìm bông gòn, dự trữ nguồn nguyên liệu để sản xuất gối suốt cả năm.

Năm 2006, chồng bà Ninh qua đời vì bệnh hiểm nghèo, nên công việc do một mình bà gánh vác. “Chồng mất, một mình tôi vừa lo tìm nguồn nguyên liệu sản xuất, vừa lo cho các con ăn học. Nhà không có đàn ông nên tôi phải chạy xe máy đến các huyện Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà để hái bông gòn...”, bà Ninh chia sẻ.

Bà Ninh luôn duy trì nghề sản xuất gối bông gòn.
Bà Ninh luôn duy trì nghề sản xuất gối bông gòn.


Thấm thoắt đã hơn 10 năm kể từ ngày chồng bà Ninh mất. Các con của bà giờ đều lập gia đình, có cuộc sống riêng, nhưng xưởng sản xuất của bà Ninh thì ngày càng mở rộng. Không như những cơ sở sản xuất gối khác, tất cả các công đoạn làm gối bông gòn của bà Ninh đều làm thủ công, tỉ mỉ và nguồn nguyên liệu tự nhiên cũng chính do bà Ninh đi tìm kiếm. Trải qua nhiều công đoạn sơ chế, những trái gòn thô ráp sẽ được bóc, tách vỏ, hạt, sợi để tạo thành những sợi bông mềm mại.

Bà Ninh cho biết thêm, những năm gần đây, xưởng của bà có sản xuất thêm nhiều loại gối nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng sản phẩm gối bông gòn vẫn là mặt hàng chủ lực. Dù có đắt hơn các loại gối khác, nhưng gối bông gòn vẫn được người tiêu dùng lựa chọn, vì có lợi cho sức khỏe, giúp ngủ ngon.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng xưởng sản xuất gối của bà Ninh cung cấp ra thị trường từ 500 - 600 chiếc gối các loại, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động nữ ở địa phương. Những lao động nữ làm việc ở xưởng đều là phụ nữ nghèo, sức khỏe không tốt, nhưng bà Ninh vẫn mở rộng vòng tay để giúp đỡ, tạo việc làm để họ có thêm thu nhập.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Minh Lê Thị Thái cho biết, bà Phạm Thị Ninh là một phụ nữ có ý chí vượt khó, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu và tảo tần nuôi dạy các con trưởng thành. Cơ sở sản xuất của bà Ninh còn là nơi tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Tấm gương vượt khó và tấm lòng nhân ái của bà Ninh rất đáng được biểu dương.

Bài, ảnh: H.THU

 


.