Cử nhân thất nghiệp

02:06, 14/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cử nhân thất nghiệp bây giờ không còn là chuyện lạ nữa. Có lạ chăng là ở số lượng mà thôi. Trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra con số khiến chúng ta phải giật mình. Đó là, tính đến năm 2018 này, cả nước có đến 200 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp!

TIN LIÊN QUAN

Cứ tính bình quân 4 năm học của mỗi sinh viên là 200 triệu đồng thì với 200 ngàn người từng học đại học kia, gia đình phải tốn một số tiền khoảng 4 nghìn tỷ! Bốn nghìn tỷ để đổi lấy sự thất nghiệp thì đó là một cái giá quá đắt, một sự lãng phí về tiền bạc và công sức quá lớn. Với một gia đình thuần nông, 200 triệu là một gia sản “khổng lồ”. Cha mẹ đầu tư vào đứa con mình như ký thác vào đó một niềm tin rằng, cuộc đổi đời sẽ bắt đầu từ khi đứa con tốt nghiệp đại học, chứ không nghĩ gia cảnh khó khăn giờ lại phải tiếp tục nuôi con thêm một thời gian nữa.

Không biết từ khi nào, chủ nghĩa bằng cấp đã thành một lực hút ghê gớm. Nó được xem như bảo bối để vào đời, nên ai cũng lao vào canh bạc này, bất chấp những rủi ro mà mình phải trả giá. Những “tiêu chí” do chính cơ quan công quyền ban ra, vô tình trở thành đích ngắm của rất nhiều người. Các thông báo tuyển người đều kèm câu “tốt nghiệp đại học bằng khá trở lên, hệ chính quy”, nhưng chính cái cơ quan tuyển dụng ấy không hề biết, hoặc có biết nhưng vờ bỏ qua, rằng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp bằng khá hệ chính quy nhưng hoàn toàn không có một chút kỹ năng sống nên khi vào làm việc thì buộc phải đào tạo lại. Những bài tập, những con số ở trường mà sinh viên ấy tiếp thu được sau 4 năm đã trở nên vô nghĩa khi phải đối mặt với một công việc thực tế. Nhiều đơn vị vẫn thiếu người nhưng tuyển không được là vậy.

Thế thì tại sao chúng ta không đào tạo những con người mà ngay sau khi ra trường, họ sẽ áp dụng những gì đã học một cách thuần thục? Như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, có đến 80-90% học viên ra trường là có việc, lại được các doanh nghiệp nhận người đánh giá rất cao. Số học viên này chả cần đại học, gia đình cũng không đầu tư quá lớn, thời gian học lại ngắn, nhưng việc làm thì luôn chờ họ.

Việc thừa cử nhân như hiện nay, lỗi lớn nằm ở khâu đào tạo mang tầm chiến lược. Gần như Bộ GD&ĐT “thả cửa” để các trường công lập lẫn tư thục tuyển sinh thoải mái. Vì vậy, ai cũng có thể học được đại học, không trường nọ thì trường kia, miễn là “đủ điểm sàn”. Thay vì đào tạo có địa chỉ đầu ra thì ngành giáo dục hầu như “không cần biết” đến hậu quả của khủng hoảng thừa, nên dẫn đến con số thất nghiệp khổng lồ kể trên.

Đã đến lúc mỗi gia đình, mỗi học sinh phải tự biết mình phải làm gì trước khi đưa ra quyết định có nên học tiếp đại học sau khi đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Có trăm ngả để vào đời, chứ không cứ gì phải học đại học bằng mọi giá để rồi thất nghiệp.               

  TRẦN ĐĂNG
 


.