Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh đối thoại với Xí nghiệp Hoa Lư

09:11, 16/11/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Chiều 16.11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chủ trì buổi tiếp xúc, đối thoại với Giám đốc Xí nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Hoa Lư về vấn đề bồi thường, hỗ trợ tại khu vực mỏ đá đồi Sáo, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn trước đây (nay thuộc mặt bằng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất ).

TIN LIÊN QUAN

Tại buổi đối thoại, Thanh tra tỉnh, đã báo cáo tóm tắt diễn biến vụ việc liên quan đến yêu cầu bồi thường của Xí nghiệp Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Hoa Lư tại Mỏ đá Đồi Sáo.Theo đó, năm 2001, Công ty Cơ giới và Xây lắp số 9 (Licogi 9) có đơn xin khai thác tận thu khoáng sản tại khu vực Đồi Sáo, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn; đã được UBND tỉnh cấp phép tại mỏ đá Đồi Sáo, xã Bình Thuận với diện tích là 2ha.
 
Ban quản lý Khu Công nghiệp Dung Quất đã cấp Chứng chỉ quy hoạch (dự án đầu tư ngắn hạn) số 102 ngày 28.7.2003 cho Công ty Licogi 9 với diện tích 3,67ha trong đó có trùng lên một phần diện tích mà UBND tỉnh cấp phép năm 2001 là 1,54ha. UBND tỉnh đã có Quyết định số 1139 và Quyết định số 1140 ngày 3.6.2004 thu hồi và cho Licogi 9 thuê diện tích 1,54ha từ tháng 7.2001 đến tháng 7.2004, Sở TNMT cũng đã ký Hợp đồng cho Licogi 9 thuê diện tích đất trên.
 
Đến năm 2005, UBND tỉnh tiếp tục cấp giấy phép tận thu khoáng sản làm vật liệu xây dựng (gia hạn giấy phép) cho Licogi 9 với khu vực khai thác 3,67ha, thời hạn khai thác đến hết 30.6.2006. Năm 2006 Licogi 9 nhượng quyền khai thác cho Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây lắp số 10 (Licogi 10), được UBND tỉnh đồng ý cấp phép cho Licogi 10 tại Quyết định số 2459 ngày 18.10.2006, diện tích khai thác là 3,67ha, thời hạn đến hết ngày 31.12.2006.
 
Trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2006, giữa Licogi 9 và Xí nghiệp Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Hoa Lư (Xí nghiệp Hoa Lư) đã ký kết nhiều văn bản hợp tác khai thác đá tại mỏ đá này. Cũng trong khoảng thời gian này, Xí nghiệp Hoa Lư đã tự thỏa thuận bồi thường đất đai, cây cối trên đất cho một số hộ dân để có mặt bằng phục vụ cho việc khai thác, kinh doanh tại mỏ đá Đồi Sáo. 
 
Ngày 3.5.2006, UBND tỉnh có Quyết định số 1034 thu hồi đất của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn các xã Bình Trị, Bình Thuận, Bình Đông, Bình Thạnh, huyện Bình Sơn đang quản lý để giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất xây dựng Khu kinh tế đợt 1 năm 2006, trong đó có 270,8ha cho nhà máy luyện cán thép lò cao Tycoons (sau này là Nhà máy thép Quảng Liên, nay thuộc mặt bằng nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất). 
 
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 1035 giao diện tích này cho Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất để giao lại cho các nhà đầu tư. Do việc khai thác mỏ đá Đồi Sáo đã hết thời hạn theo Giấy phép đã cấp, đồng thời đã có Quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án Nhà máy thép lò cao Tycoons nên Licogi 10 không được gia hạn khai thác tiếp.
 
Theo quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, diện tích mỏ đá Đồi Sáo 3,67ha mà UBND tỉnh đã cấp phép khai thác cho Licogi 10 có 2,1ha nằm trong quy hoạch dự án Nhà máy luyện cán thép lò cao Tycoons. Diện tích 2,1ha trong quy hoạch này có trùng lên một phần diện tích 1,54ha UBND tỉnh đã thu hồi, cho Licogi 9 thuê vào năm 2004.
 
Căn cứ trên Quyết định thu hồi và giao đất của Chủ tịch UBND tỉnh, trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt của dự án nhà máy thép Tycoons và hợp đồng với chủ đầu tư, Ban Đền bù, TĐC và GPMB tỉnh (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất) đã tiến hành kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư số 11 (Phương án 39ha, trong đó có phần diện tích 2,1ha nêu trên), được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 823 ngày 18.4.2007. 
 
Trong quá trình kiểm kê, Xí nghiệp Hoa Lư đã kê khai và yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ, Ban Đền bù, TĐC và GPMB tỉnh khi đó cũng đã tiến hành kiểm kê, tính toán giá trị nhưng do không được giải quyết bồi thường, hỗ trợ nên Xí nghiệp Hoa Lư có văn bản số 18 ngày 15.6.2008 với nội dung: Yêu cầu được đền bù 7.229m2 đất khu bãi chứa đá nghiệm thu (nằm ngoài diện tích 3,67ha mỏ đá đã được cấp phép); yêu cầu bồi thường cây cối hiện trạng trên đất tại khu vực mỏ đá; yêu cầu trả lại tiền bốc đất hữu cơ, tầng phủ tại mỏ đá.
 
UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét xử lý khiếu nại của Xí nghiệp Hoa Lư; Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất nhiều lần chủ trì, tổ chức họp với các bên liên quan để giải quyết nhưng Xí nghiệp Hoa Lư vẫn không đồng ý.
 
Ngày 11.8.2008 Xí nghiệp Hoa Lư tiếp tục có văn bản số 34 gửi Ban BT, TĐC&PTQĐ Dung Quất yêu cầu đền bù diện tích đất 3,6ha tại Mỏ đá Đồi Sáo và 7.229m2 đất làm bãi trữ đá vì cho rằng mình có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với các diện tích đất này nhưng vẫn chưa được xem xét.
 
Đến ngày 18.1.2010 Xí nghiệp Hoa Lư tiếp tục có đơn khiếu nại, yêu cầu đền bù 3ha đất mà Xí nghiệp Hoa Lư đã thỏa thuận sang nhượng của các hộ dân; đồng thời, yêu cầu tính hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng, chi phí bóc tầng phủ tại khu vực mỏ đá Đồi Sáo nhằm tạo điều kiện bù đắp doanh nghiệp phần nào chi phí đã đầu tư.
 
Ngày 16.3.2010 Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất có Công văn số 257 trả lời đơn khiếu nại ngày 18.1.2010 của Xí nghiệp Hoa Lư, khẳng định: Xí nghiệp Hoa Lư không có chủ quyền pháp lý đối với mỏ đá Đồi Sáo do đó việc yêu cầu bồi thường là không có cơ sở. 
 
Không đồng ý với trả lời của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Xí nghiệp Hoa Lư tiếp tục có Đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh yêu cầu giải quyết các nội dung:  Khẳng định có chủ quyền hợp pháp đối với ½ mỏ đá Đồi Sáo (phần phía Tây), yêu cầu có quyết định thu hồi đất, kiểm kê đất và tài sản trên đất để làm cơ sở giải quyết bồi thường và là cơ sở để doanh nghiệp bàn giao mặt bằng cho dự án mới, yêu cầu xem xét bồi thường hơn 2ha đất ngoài quy hoạch mỏ đá mà Xí nghiệp Hoa Lư đã sang nhượng của nhân dân…
 
Trên cơ sở kết quả rà soát, tham mưu của Thanh tra tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 3499 ngày 23.11.2010 trả lời đơn khiếu nại của Xí nghiệp Hoa Lư với nội dung chính là không có cơ sở pháp lý để xem xét bồi thường về đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại cho Xí nghiệp Hoa Lưu khi thu hồi đất mỏ đá Đồi Sáo; đối với tài sản, cây cối có trên đất, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất tiến hành kiểm kê tài sản trên đất để làm cơ sở giải quyết bồi thường, hỗ trợ cây cối trên đất (nếu có) cho Xí nghiệp Hoa Lư vì thực tế Xí nghiệp đã thỏa thuận bồi thường cho các hộ dân số cây cối này từ năm 2005. 
 
Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc, đối thoại
Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc, đối thoại
 
Cũng trong năm 2010, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm kê và lập, trình UBND tỉnh phê duyệt Phương án bồi thường phần mở rộng dự án Nhà máy thép Quảng Liên đợt 1 (phương án 38,6ha) để chi trả, bàn giao mặt bằng cho dự án, trong đó có một phần diện tích Xí nghiệp Hoa Lư tự thỏa thuận với người dân để làm mặt bằng bãi chứa đá, trạm nghiền và đường đi. 
 
Xí nghiệp Hoa Lư có các đơn khiếu nại trình bày việc năm 2001 Liên doanh Xí nghiệp Hoa Lư và Licogi 9 đã bồi thường cho nhân dân khoảng 8,54 ha, trong đó: Phần diện tích 1,54 ha có Quyết định cấp phép và cho thuê đất; Phần diện tích còn lại khoảng 7ha, Xí nghiệp Hoa Lư bồi thường khoảng 4,5ha, Licogi 9 bồi thường khoảng 2.5ha. Năm 2005 Xí nghiệp tiếp tục bồi thường đất và cây trồng cho nhân dân hai xã Bình Đông và xã Bình Thuận để tránh việc khiếu kiện đông người và an toàn khi nổ mìn phá đá theo quy định. Xí nghiệp Hoa Lư đề nghị xem xét, giải quyết phần diện tích 62.053,3m2.
 
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn đã có Quyết định số 662 ngày 16.4/.2012 thành lập Tổ Công tác liên ngành để thẩm tra, xác minh và tham mưu cho UBND huyện giải quyết khiếu nại của Xí nghiệp Hoa Lư. Tuy nhiên khiếu nại của Xí nghiệp Hoa Lư vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
 
Đến năm 2017, sau khi toàn bộ mặt bằng dự án của Quảng Liên trước đây được bàn giao cho Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất thì Xí nghiệp Hoa Lư đã có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh yêu cầu giải quyết các nội dung như đã nêu trước đây vào năm 2012, đồng thời đề nghị UBND tỉnh có ý kiến để Xí nghiệp được hợp tác với Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất để thi công phá dỡ mỏ đá Đồi Sáo để lấy mặt bằng cho dự án. 
 
Tại cuộc họp, sau khi lắng nghe kiến nghị của Giám đốc Xí nghiệp Hoa Lư và ý kiến của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại công khai, minh bạch, dân chủ là để lắng nghe, tạo điều kiện cho Xí nghiệp Hoa Lư trình bày, kiến nghị.
 
Trên cơ sở buổi đối thoại, căn cứ vào văn bản pháp luật hiện hành và các chứng cứ hiện có, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, không có căn cứ pháp lý để bồi thường, hỗ trợ về đất, chi phí đầu tư vào đất liên quan đến diện tích đất mà Xí nghiệp Hoa Lư đã tự thỏa thuận, đền bù đất và cây cối cho các hộ dân để phục vụ cho việc khai thác, kinh doanh tại khu vực mỏ đá Đồi Sáo. Do đó, yêu cầu Xí nghiệp Hoa Lư nghiêm túc chấp hành, không được cản trở việc tổ chức thi công của Công ty Hòa Phát Dung Quất.
 
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, là Quyết định thu hồi đất cũng đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, khai thác của Xí nghiệp Hoa Lư, nên UBND tỉnh thống nhất giải quyết hỗ trợ một phần chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để bồi thường cho các hộ dân trước đây là 218 triệu đồng (theo yêu cầu của doanh nghiệp) và hỗ trợ thêm một phần thiệt hại cho doanh nghiệp do thu hồi dự án trước thời hạn, nhưng tổng mức hỗ trợ không được vượt quá 600 triệu đồng…
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Bình Sơn sớm tham mưu mức hỗ trợ, trình UBND tỉnh trước ngày 25.11.2017. Tiền hỗ trợ cho Xí nghiệp Hoa Lư sẽ  do Công ty Hòa Phát Dung Quất chi trả, sau đó, UBND tỉnh sẽ khấu trừ vào tiền sử dụng đất của Công ty Hòa Phát Dung Quất.
 
N. Đức
 

.