Bao giờ hết "giải cứu"?

02:04, 03/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên mạng đang lan truyền một clip do các em ở Trường THPT huyện Mộ Đức thực hiện. Nội dung của clip nói về cảnh ăn thi dưa hấu rất vui nhộn của đám học trò. Tác giả của clip chú thích rằng, các em đang góp phần “giải cứu” cho nông dân trồng dưa trong tỉnh. Đoàn thanh niên của trường này đã phát đi thông điệp kêu gọi học sinh toàn trường “tích cực ăn dưa” để giúp nông dân.

TIN LIÊN QUAN

Cũng trên một số báo mạng đăng tải hình ảnh các em sinh viên Trường Đại học Nông lâm Huế đang “giải cứu dưa” từ Quảng Ngãi vận chuyển ra Huế mấy ngày qua.

Rồi sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng cũng lập các quày di động trên nhiều tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi để bán dưa giúp nông dân. Nhìn cảnh vui nhộn vô tư trong cuộc thi ăn dưa hay khuôn mặt tươi tắn của các em mỗi khi mời chào khách mua dưa, người cả nghĩ, không khỏi chạnh lòng.

Vì sao? Vì chuyện tiêu thụ nông sản cho nông dân mà phải nhờ cậy học sinh xắn tay giúp sức thì quá buồn cười. Nhưng ai sẽ giúp nông dân mỗi khi nông sản tồn dư mà không có đường tiêu thụ? Đó quả là một câu hỏi khó, nếu không nói là quá khó.

Chúng ta đều biết, Việt Nam có khoảng 80% là nông dân hoặc những doanh nghiệp liên quan đến nông sản. Sau ngày “đổi mới” đến nay, người nông dân hoàn toàn quyết định trồng loại cây gì trên mảnh ruộng của mình.

Điều này vừa thuận lợi, vì Nhà nước không còn áp đặt như thời bao cấp, nhưng lại bất lợi vì đa phần nông dân bỏ ngoài tai những lời khuyến cáo. Manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, đó là những thói tật mà người nông dân đang mắc phải và họ đang phải trả giá.

Không phải đến năm nay, tình trạng dưa bỏ thối ngoài đồng không có người mua mới xuất hiện mà dễ có đến hơn 10 năm nay, tình trạng phập phù giá cả của cây dưa đã đưa một số gia đình thành tỷ phú và cũng  không ít gia đình trắng tay vì loại cây này.

Cách đây 2 năm, giá dưa tại ruộng có lúc rơi xuống còn 500 đồng/kg, nhưng bị chê ỏng chê eo. Một năm sau, mùa dưa năm 2016, giá dưa vọt lên 10.000 đồng/kg, nhưng không có dưa để bán, vì ai cũng sợ tái lập giá 500 đồng/kg như vụ trước. Thấy “có ăn”, năm nay nhà nhà đổ xô trồng dưa, giá dưa tụt còn 1.000 đồng/kg. Hàng nghìn hộ nông dân ngửa cổ kêu trời!

Có người trách rằng, sao các nhà quản lý không đưa ra lời cảnh báo nào để nông dân phải lãnh hậu quả? Nói thế thì cũng oan cho nhà quản lý, vì không một ai có thể đưa ra những dự báo về giá cả nông sản sẽ như thế nào.

Vậy thì làm cách nào để không còn cảnh “giải cứu nông dân” mỗi khi cá, chuối, vải thiều rồi dưa… không tiêu thụ được? Có lẽ không cần phải đưa ra những lời khuyên nặng tính sách vở mà phải đi tìm hiểu những mô hình thành công.

Một nông dân ở Long An có hàng trăm hecta chuối, nhưng không có chuối để bán, trong khi đó, chuối ở tỉnh Đồng Nai sát bên thì cho bò ăn không hết. Anh nông dân Long An thắng lớn, vì anh ta trồng theo phương pháp khoa học (không bón phân và phun thuốc trừ sâu), lại liên kết được với các nhà tiêu thụ.

Một sản phẩm sạch sẽ như một tấm hộ chiếu để “công dân chuối” ấy có mặt khắp năm châu. Những người trồng dưa, nuôi cá và các loại nông sản khác cũng nên học tập “tấm gương” này, để tránh tình trạng trúng mùa được giá thì lặng lẽ… mua vàng cất vào tủ, còn mất mùa thì kêu mọi người xăn tay áo giải cứu!

TRẦN ĐĂNG
 


.