Hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội Dự án đầu tư Công viên Thiên Bút

11:07, 19/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 19.7, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội Dự án đầu tư Công viên Thiên Bút.

TIN LIÊN QUAN

Công viên Thiên Bút được xây dựng tại phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi), với diện tích 19,4ha, tổng kinh phí xây dựng trên 390 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2016- 2018. Công viên Thiên Bút được thực hiện theo hình thức phục hồi nguyên trạng. Đó là giữ nguyên quy mô, diện tích, tỷ lệ vườn hoa cây xanh và các công trình công cộng theo đúng quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt trước đây.
 
Đồng thời, điều chỉnh và bổ sung các hạng mục cây xanh, công trình công công, các dịch vụ tiện ích nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động của công viên, phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, tuân thủ quy hoạch chung của thành phố, đảm bảo các yêu tố của một công viên sinh thái đô thị.
 
Tại buổi hội thảo, các đại biểu cho rằng tư tưởng chủ đạo của công viên là phải tôn trọng di tích văn hóa núi Thiên Bút với những di sản vật thể và phi vật thể, giữ lại những các đang còn như núi đồi, cây cổ...; tôn tạo và phục dựng mới trên tinh thần bảo tồn hình thù di tích. Làm sao khi công trình hoàn thành sẽ có được một công viên trên núi với sự uy nghi của núi rừng, vẻ đẹp của công viên không làm “trọc hóa” di tích núi Thiên Bút. Muốn vậy, phải có một ý tưởng chủ đạo xuyên suốt trong quá trình thiết kế, xây dựng các hạng mục trong công viên. 
 
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo
 
Về tên gọi, công viên phải giữ tên thắng cảnh, di tích văn hóa là Công viên núi Thiên Bút; việc trồng cây xanh cần nghiên cứu kỹ, điều chỉnh, bổ sung chủng loại cây vừa  phù hợp với sinh thái ở Quảng Ngãi, vừa phù hợp với đặc điểm núi Thiên Bút, vừa tạo ra cảnh quang đẹp, cây cho hoa, quả theo mùa. 
 
Đối với hạng mục tháp Bút, các đại biểu cho rằng, không nên xây bằng bê tông cốt thép mà phải tái tạo nét xưa là trồng cây đã trưởng thành trên đỉnh nhọn, không san ủi mặt bằng; đồng thời, không xây đường xoắn ốc lên núi, vì như vậy nó cắt ngang sườn núi, làm mất vẻ tự nhiên, mà chỉ tạo ra đường đi bộ, từng đoạn có khoảng đất bằng trồng hoa, cây cảnh để vừa đi vừa ngắm cảnh thưởng ngoạn; chỉ cần bố trí ghế đá dưới tán cây có bóng mát, dọc đường lên núi, thay vì xây dựng 9 nhà nghỉ chân lợp ngói, cột bê tông cốt thép như theo thiết kế của dự án. 
 
Ngoài ra, tại buổi hội thảo các đại biểu cũng góp ý kiến về khu vực trưng bày sinh vật cảnh; công tác quản lý, khái thác, sử dụng công trình; các công trình xây dựng quanh chân núi Thiên Bút…
 
N.Đức

.