Đưa cây bắp sinh khối lên miền núi

08:10, 06/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân, một số địa phương ở miền núi như Sơn Tây, Ba Tơ đã triển khai thí điểm và định hướng nhân rộng mô hình trồng bắp sinh khối. 
 
[links()]
 
Hiệu quả
 
Vụ đông xuân 2021 - 2022, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) triển khai trồng thí điểm gần 10 sào bắp sinh khối tại cánh đồng Ka Rơn, thôn Nước Kỉa. Có 5 hộ dân tham gia mô hình để cung cấp cho Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi. Đây là lần đầu tiên nông dân ở vùng cao Sơn Tinh trồng bắp theo phương pháp, kỹ thuật mới có liên kết về đầu ra. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật nên cây bắp sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với cây lúa, mì trên cùng diện tích.
 
Người dân xã Sơn Tinh (Sơn Tây) thu hoạch bắp sinh khối.
Người dân xã Sơn Tinh (Sơn Tây) thu hoạch bắp sinh khối.
Anh Đinh Văn Sên, ở thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh, là một trong số những hộ dân tham gia trồng thí điểm cây bắp sinh khối. Anh Sên chia sẻ, trước kia diện tích đất này gia đình tôi thường trồng lúa, nhưng do thiếu nước nên hay mất mùa. Sau đó, tôi chuyển sang trồng mì thì lại bị bệnh vi rút khảm lá, dẫn đến thất thu. Vụ vừa rồi, được sự hướng dẫn, vận động của chính quyền xã, tôi đã đăng ký tham gia trồng bắp sinh khối. Sau gần 3 tháng trồng, gia đình tôi thu lãi được hơn 6 triệu đồng. So với cây lúa, mì thì trồng bắp sinh khối lợi nhuận gấp nhiều lần, mà sản phẩm đã có công ty thu mua tận ruộng.
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh Trần Quý cho biết, bên cạnh hiệu quả kinh tế thì mô hình liên kết trồng bắp sinh khối với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi đã giúp người dân thay đổi được tập quán canh tác theo hướng hàng hóa. Theo đó, người dân đã cơ bản nắm bắt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân đối với giống bắp lai sinh khối. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục nhân rộng mô hình trồng bắp sinh khối trên địa bàn xã trong thời gian đến.
 
Nhân rộng diện tích trồng bắp
 
Tại huyện Ba Tơ, nhiều hộ dân đã gắn bó với cây bắp sinh khối gần 2 năm qua. “Tôi thấy trồng bắp sinh khối rất hiệu quả, lại ít bị bệnh hơn trồng mì. Thuận lợi nữa là, toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu tôi đều được Hợp tác xã Đồng Tâm, xã Ba Vì cho mượn; đến kỳ thu hoạch bán bắp mới phải trả nên không phải lo về vốn. Vụ tới, tôi sẽ tiếp tục trồng gần 11 sào bắp sinh khối để làm thức ăn cho bò sữa”, bà Phạm Thị Xây, ở thôn Gò Năng, xã Ba Vì (Ba Tơ), bày tỏ.
 
Giám đốc Hợp tác xã Đồng Tâm Nguyễn Đức Tài cho biết, để hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất, giảm gánh nặng chi phí đầu vụ, hợp tác xã đã đầu tư máy cày, máy băm phục vụ công đoạn làm đất và sẽ thu hồi vốn sau khi thu hoạch bắp. Hiện đơn vị đang làm đầu mối thu mua bắp sinh khối cho người dân trên địa bàn các xã Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Xa.
 
Từ hiệu quả kinh tế mang lại trong liên kết sản xuất cây bắp sinh khối tại các địa phương, xã Ba Ngạc (Ba Tơ) cũng đã khảo sát, chọn khoảng 20 hộ để triển khai trồng 15 - 20ha bắp sinh khối trong vụ đông xuân năm 2022 - 2023.
 
Theo đánh giá của các địa phương triển khai trồng bắp sinh khối ở huyện Sơn Tây và Ba Tơ, thì quá trình sinh trưởng và phát triển của cây bắp tốt, ít sâu, bệnh hại, chịu được nắng hạn và khi có mưa dông, lượng nước tích tụ được thẩm thấu nhanh, không gây ngập úng cây. Vì vậy, việc quy hoạch chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, thiếu nước sang trồng cây bắp sinh khối không chỉ tiết kiệm được nguồn nước tưới, nâng cao hiệu quả gia tăng, mà còn mở ra hướng phát triển bền vững, xây dựng các vùng trồng chuyên canh cây bắp sinh khối.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.