Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về kinh tế - xã hội

05:10, 28/10/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh.
[links()]
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
 
Rà soát lại quy trình quản lý mặt hàng xăng dầu 
 
Theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, thời gian qua, tình hình cung ứng, phân phối và bán lẻ xăng dầu diễn biến phức tạp. Mặc dù chỉ ở mức cục bộ tại một số địa phương, song đã đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối với mặt hàng này. 
 
Do vậy, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ một số vấn đề sau: Chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính rà soát lại quy trình quản lý, điều hành xăng dầu, từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá nhằm bảo đảm nguồn cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, có chính sách thuế phù hợp; đánh giá lại việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. 
 
Chú trọng triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tăng cường nguồn lực cho việc dự trữ xăng dầu; cần xây dựng các kho lưu trữ xăng dầu quốc gia, bảo đảm trữ lượng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian dài để tăng cường khả năng đối phó với những diễn biến lớn từ nguồn cung và giá thế giới. 
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QH
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QH
Về lâu dài, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất trong nước. 
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm phê duyệt dự án mở rộng, nâng cấp quy mô Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; đồng thời nghiên cứu thành lập, xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất, để phát triển công nghiệp năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, hiện nay, KKT Dung Quất có những tiền đề quan trọng đảm bảo cho sự hình thành và phát triển Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia như: Cơ sở hạ tầng, cảng nước sâu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (với công suất chế biến hiện tại là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm), nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành dầu khí phát triển vượt bậc... 
 
Đảm bảo an toàn, an ninh tài chính phục vụ phát triển kinh tế
 
Tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương dẫn khuyến cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng, nhưng có giai đoạn tăng nóng. Cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. 
 
Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn. Đặc biệt là, những sai phạm thời gian qua của một số doanh nghiệp bất động sản (trong huy động vốn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp) đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Đồng thời đưa ra cảnh báo: “Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng”. 
 
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia thảo luận. Ảnh: QH
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia thảo luận. Ảnh: QH
Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với quản lý, điều hành hoạt động của các tổ chức tín dụng; quản lý thị trường chứng khoán và hoạt động bất động sản. Đánh giá, xác định về mức độ ảnh hưởng của các sai phạm trong thời gian qua đã tác động thế nào đến nền kinh tế, thị trường vốn... để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự minh bạch, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.
 
Đánh giá lại cơ cấu, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào bất động sản trong tổng số nguồn lực xã hội và tác động của thị trường này đến phân phối nguồn lực đầu tư của xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để bảo đảm tính minh bạch, an toàn, hiệu quả, tăng cường niềm tin của người dân, nhà đấu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
 
DCH - H.A
 

.