Làng dưới chân núi

15:43, 27/04/2024
.
(Báo Quảng Ngãi) Như một thung lũng nằm lọt thỏm giữa núi rừng, thôn 1, xã Trà Thủy (Trà Bồng) đẹp và yên bình đến lạ. Người dân dưới chân núi Biêu, núi Chúa yêu rừng và sống nhờ rừng.

Vùng căn cứ trong kháng chiến

Từ trung tâm xã Trà Thủy, ngược về phía bắc, băng qua con đường dốc quanh co được bao quanh bởi những cánh rừng keo chừng 20 phút đồng hồ đi xe máy là đã đến thôn 1, xã Trà Thủy. Ngay khi đặt chân đến đầu làng, chúng tôi khá ấn tượng khi chứng kiến cả ngôi làng nằm lọt thõm giữa núi rừng xanh bạt ngàn. Những cánh rừng phòng hộ, rừng tự nhiên nằm cách nhà dân chỉ vài trăm mét.

Theo lời kể của dân làng, trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực thôn 1, xã Trà Thủy ngày nay là một vùng rừng núi chưa có người ở. Lúc bấy giờ, để tránh tai mắt của địch, người dân dựng nhà sống ở khu vực núi Chúa. Cũng nhờ vào địa thế hiểm trở, rừng núi che chở nên núi Chúa đã trở thành vùng căn cứ cách mạng, nuôi giấu bộ đội.
Khu dân cư thôn 1, xã Trà Thủy (Trà Bồng).
Khu dân cư thôn 1, xã Trà Thủy (Trà Bồng).

Hôm chúng tôi đến, gặp lúc bệnh binh Hồ Xuân Thủy (84 tuổi), ở thôn 1 đang đi bộ ra cánh đồng Nước Biêu trước nhà để xem dân làng thu hoạch lúa. Mặc dù tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để lao động nhưng già Thủy vẫn luôn nêu gương sáng. Ông siêng năng đi lại, động viên, nhắc nhở con cháu chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.

Nhắc về những năm kháng chiến chống Mỹ, già Thủy kể, trước đây cả vùng này là căn cứ địa cách mạng, mỗi người dân là một chiến sĩ. Riêng ông, năm 18 tuổi đã tham gia làm liên lạc, đi lại truyền tin bí mật cho bộ đội ở khắp các vùng căn cứ trong huyện và huyện Bình Sơn. Ông nhớ rất rõ những ngày tháng ác liệt của năm 1963, khi địch biết được căn cứ núi Chúa là nơi ẩn nấp quan trọng của bộ đội ta nên đã tiến hành các đợt dội bom bố ráp, tàn phá. Thế nhưng, quân và dân ta vẫn không hề khuất phục, tinh thần đánh giặc càng thêm kiên cường.

Sau ngày giải phóng, non sông thu về một mối, thực hiện chính sách định canh, định cư của Nhà nước, người dân ở các nơi đã di chuyển đến khu vực dưới chân núi Biêu, núi Chúa dựng nhà ở, hình thành nên một ngôi làng và được phân chia thành thôn 1, xã Trà Thủy. Những ngày đầu mới về đây, người dân còn thưa thớt với khoảng chục nóc nhà tranh, vách nứa. Cuộc sống của người dân lúc bấy giờ hết sức khó khăn, song họ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nghĩ rằng chỉ cần chịu thương, chịu khó thì đất cằn cũng nở hoa.

Cùng nhau phát triển kinh tế

Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, người dân ở thôn 1, xã Trà Thủy hăng hái ra đồng thu hoạch lúa, lên rẫy khai thác keo, mì. Không khí lao động hăng say trên khắp các cánh đồng, ruộng nương. Nhìn những bông lúa vàng óng nặng trĩu, no tròn đu đưa trong gió, chúng tôi hiểu rằng, một mùa no đủ đang hiện hữu với người dân nơi đây.

Dọc theo tuyến đường chính trong thôn, các mẹ, các chị đang tranh thủ phơi lúa. Vừa thấy chúng tôi ở đầu làng, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Trà Thủy Hồ Thái Hùng khoe, lúa năm nay được mùa nên bà con ai cũng phấn khởi. Tuy là xã miền núi nhưng nhờ Nhà nước đầu tư công trình thủy lợi đập Nước Biêu nên hơn 6ha lúa của người dân trong thôn luôn được tưới mát. Các cánh đồng khác nhờ giữ được rừng nên vẫn đủ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Toàn thôn có khoảng 60 hộ dân, với hơn 250 nhân khẩu. Người dân trong thôn từ bao đời nay luôn sống đoàn kết. Bất kể việc gì của làng, người dân đều cùng nhau gánh vác. Trong lao động sản xuất, để giảm bớt chi phí, họ cùng vần công với nhau. Dù không quy định thành văn, nhưng ở đây, nhà nào làm ăn khấm khá phải có trách nhiệm giúp đỡ cho hộ nghèo khó cùng vươn lên. Đa số dân làng đều có cuộc sống ấm no, khấm khá, nhiều người có của ăn, của để. Trong thôn đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi. Công tác chăm lo cho con cái học hành cũng được người dân ngày càng quan tâm. Nhờ đó, nhiều học sinh trong làng đã đỗ đại học, cao đẳng, số còn lại cũng được gia đình cho đi học nghề hoặc sau khi tốt nghiệp THPT xin vào làm công nhân tại các KCN, nhà máy trong tỉnh.

Bữa ăn trưa của học sinh mầm non ở điểm trường thôn 1, xã Trà Thủy (Trà Bồng).
Bữa ăn trưa của học sinh mầm non ở điểm trường thôn 1, xã Trà Thủy (Trà Bồng).

Đời sống người dân chủ yếu dựa vào kinh tế rừng. Để tri ân rừng và cũng là giữ gìn nguồn sống của dân làng, người dân trong thôn đã ra sức bảo vệ rừng. Cách đây khoảng 5 năm trở về trước, nhận thấy những cánh rừng ở thôn 1 còn nhiều cây gỗ quý, lại nằm sát đường nên các đối tượng lâm tặc thường xâm hại rừng. Thế nhưng, với tinh thần đoàn kết, người dân thôn 1 đã thành lập các tổ đội bảo vệ rừng, trở thành tai mắt của các lực lượng chức năng.

Chúng tôi rời thôn 1, xã Trà Thủy khi mặt trời đã ngả bóng. Trong nhà dọc hai bên đường tiếng ti vi vọng ra những ca khúc hát về Bác Hồ, về niềm vui của ngày đại thắng 30/4/1975. Tiếng trẻ con, học sinh tiểu học ê a câu chữ “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng”. Ngoài đồng, tiếng máy cắt lúa vang lên hòa cùng tiếng cười nói rộn ràng của người dân như làm bừng sáng cả đại ngàn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:43, 27/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.