Các trường đại học địa phương: Chú trọng kiểm định chất lượng

14:09, 04/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục là hoạt động cần thiết để các trường đại học (ĐH), cao đẳng, trung cấp đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo. Từ đó, đề ra lộ trình và giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế.

Nỗ lực đạt chuẩn chất lượng

Thời gian qua, các trường ĐH trên địa bàn tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nhằm đảm bảo các điều kiện kiểm định chất lượng, bởi đây là yếu tố quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện thành công chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
 
Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng Trần Đình Thám cho biết, trên cơ sở tự đánh giá, Trường ĐH Phạm Văn Đồng từng bước khắc phục những hạn chế về đội ngũ, cơ sở vật chất, các hoạt động trong sinh viên. Giữa năm 2023, Bộ GD&ĐT đã ủy quyền cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Đà Nẵng) thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá tất cả hoạt động của trường. Trường đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ GD&ĐT và được công nhận là trường ĐH đạt chuẩn chất lượng theo quy định. Đến giữa tháng 10/2023, Trường ĐH Phạm Văn Đồng được trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2).
Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người học.
Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người học.

Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng chú trọng công tác đánh giá, kiểm định chất lượng nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trường thực hiện công tác tự đánh giá và đánh giá nội bộ cấp cơ sở giáo dục và tất cả các chương trình đào tạo; thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, người sử dụng lao động...

Tháng 3/2023, Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Đến nay, trường đã có 30 chương trình đào tạo được kiểm định và được công nhận đạt chuẩn chất lượng bởi các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế.

Để phát triển bền vững

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở đào tạo là sự phấn đấu rất tốt của các trường ĐH, nhất là các trường ĐH địa phương. Song, đạt chuẩn kiểm định mới chỉ là nền tảng ban đầu. Các trường sau khi đạt kiểm định chất lượng phải tập trung hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục bên trong, từ đội ngũ giảng viên đến các phòng ban.

Trường ĐH, nhất là trường ĐH địa phương cần tập trung vào 4 vấn đề lớn. Đó là hoàn thiện quản trị chiến lược của trường ĐH địa phương và xem mình ở phân khúc thị trường nào để có chiến lược phù hợp; quản trị về mặt thể chế và các văn bản, bám sát những văn bản của ngành, tỉnh để hoàn thiện; hệ thống các phòng ban chức năng trong điều kiện chuyển đổi số và công nghệ thông tin phải giảm bớt đầu mối nhưng tăng hiệu quả, đồng thời xây dựng thêm các trung tâm như trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh. Vấn đề quan trọng nhất là đầu ra của sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp ra trường phải có chất lượng tốt, đạt chuẩn đầu ra, có việc làm và đóng góp ngược lại cho xã hội. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất của trường ĐH.

Sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.
Sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ GD&ĐT đánh giá cao những trường địa phương đảm bảo chất lượng và kiểm định. Trường ĐH Phạm Văn Đồng cần có chiến lược hành động để cải tiến chất lượng tốt nhất trong thời gian 5 năm đến dựa trên các kiến nghị của các đoàn kiểm định. Trong tình hình nguồn lực còn hạn chế, trường phải triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo, phát triển bền vững.  

Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi Phạm Việt Hùng cho hay, Phân hiệu Quảng Ngãi đã xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong, cử viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho toàn thể viên chức, giảng viên về nâng cao năng lực đảm bảo chất lượng cấp cơ sở giáo dục; tập huấn về phương pháp giảng dạy theo chuẩn đầu ra...

Trang bị kỹ năng cho sinh viên 
Trường ĐH Phạm Văn Đồng đã chú trọng tổ chức các hoạt động nhằm trang bị kỹ năng cho sinh viên. Thạc sĩ Lê Trần Hoài Thương, giảng viên khoa Kinh tế (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) chia sẻ, ngay từ năm nhất, giảng viên đã định hướng cho sinh viên trong việc nghiên cứu khoa học. Đồng thời, trong quá trình đào tạo, trường chú trọng các hoạt động đoàn thể và tổ chức nhiều hoạt động để rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên. Ngoài ra, những năm qua, sinh viên khoa Kinh tế của trường được trải nghiệm thực tế tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, giúp các em tự tin hơn...

 Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:09, 04/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.