Nửa đêm băng rừng gọi học trò ra lớp

02:04, 16/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Màn đêm buông xuống, núi rừng trở nên u tịch. Khi người người trở về nhà quần tụ bên gia đình trong bữa cơm tối thì các thầy, cô giáo ở huyện miền núi Sơn Tây lại băng rừng vào làng, đến từng nhà động viên học trò ra lớp. Dẫu khó khăn, vất vả, nhưng họ không ngại ngần. Niềm vui của những "người đưa đò" nơi đây là hôm sau lớp học đông đủ...

TIN LIÊN QUAN


Một đêm tham gia cùng các thầy cô giáo ở Sơn Tây đi gọi học trò ra lớp, tôi nhận ra rằng: Con đường mang con chữ đến với học sinh ở xứ ngàn cau không hề dễ dàng...

"Người đưa đò" đi gọi trò

Chiều muộn một ngày cuối tháng Ba, tiếng chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia là giọng nói quen thuộc của anh Nguyễn Chí Thành, giáo viên Trường THCS Sơn Dung: “Hôm nay, chúng tôi sẽ vào thôn Nước Lang để vận động học trò ra lớp. Xe máy chỉ đi được đến đầu thôn, còn lại phải đi bộ và cắt rừng gần 6km mới đến nơi, có điểm phải đi bộ gần 9km. Nếu đi được, thì cùng đi với chúng tôi”. Nghe lời mời, tôi đồng ý ngay.

Hành trình vận động học trò ra lớp của thầy cô giáo ở huyện Sơn Tây rất gian nan.
Hành trình vận động học trò ra lớp của thầy cô giáo ở huyện Sơn Tây rất gian nan.


Trong căn phòng công vụ khá hẹp, thầy Thành vừa loay hoay chuẩn bị dụng cụ để đi đường, vừa tìm ve thuốc bôi vào người để chống muỗi, vắt rừng. Tôi buộc miệng: Sao mình không đi ban ngày mà đêm đến mới đi. Thầy Thành bảo: Các em đã bỏ học, hoặc đi học giã gạo, thì đi ban ngày vào đến nhà cũng như không, bởi các em hầu như đều đi rẫy. Có đi ban đêm mới gặp được học trò.
 

"Nếu các thầy cô không tâm huyết, không yêu nghề, thương học trò, thì không thể nào trụ được. Với sức trẻ, sự nhiệt huyết cùng một cái tâm sáng, tôi tin không những các thầy cô là điểm tựa cho học trò mà còn là một kênh tuyên truyền hiệu quả trong công tác dân vận ở huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này".
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây BÙI THẾ GIỚI

Kim đồng hồ chỉ 18 giờ 45 phút. Trời tối đen. Sương núi rơi dày. Da thịt bắt đầu cảm nhận được cái lạnh tê tái của núi rừng, chúng tôi bắt đầu hành trình băng rừng tìm trò. Sau khi vượt tuyến đường bê tông từ đường Đông Trường Sơn dẫn về thôn Nước Lang bằng xe máy trong màn đêm tối mịt, chúng tôi dừng xe ở đầu làng, bởi phía trước là một ụ đất lớn do sạt lở núi chắn ngang.

Để đủ ánh sáng men theo con đường, đèn pin những chiếc điện thoại được bật lên. Những bước đi chậm chạp và rất thận trọng, bởi chỉ cần sơ sẩy là bị trượt ngã. Những đoạn khó đi, các thầy vừa dò đường, vừa phải làm điểm tựa để các cô giáo di chuyển.

Có hai năm kinh nghiệm đi tìm học trò vào ban đêm, cô Nguyễn Thị Minh Công tâm sự, lúc nào cũng hai người đi, nhưng sợ lắm, vì trời tối, bốn bề là rừng núi, dọc đường hầu như không có nhà dân, vừa đi vừa run. Có hôm trời mưa, sau một đêm vào làng trở về quần áo lấm lem bùn đất, nhưng hôm sau nhìn học trò đến lớp, những mệt mỏi đã tan biến.

Kiên trì vận động các em ra lớp

Sau gần 30 phút cuốc bộ qua những con dốc dựng đứng, các thầy, cô giáo tiếp cận được ngôi nhà của em Đinh Văn Trinh, lớp 9A, Trường THCS Sơn Dung. Căn nhà ẩm thấp, tối om dưới ngọn lửa loe hoe giữa nhà. Nghe tiếng gọi, anh Đinh Văn Liếc (cha Trinh) mở cửa đón khách. Khi thầy cô hỏi con, anh Liếc chỉ tay về phía màn trời đen kịt: “Nó đi chơi với bạn ở xóm trên từ chiều giờ chưa thấy về”.

Các thầy cô giáo trò chuyện với phụ huynh, động viên em Đinh Văn Trinh đi học trở lại.
Các thầy cô giáo trò chuyện với phụ huynh, động viên em Đinh Văn Trinh đi học trở lại.


Các thầy, cô lại phải phân công nhau đi tìm, sau một hồi, cậu học trò cũng xuất hiện với bộ dạng lo sợ. Để trấn an học trò, các thầy, cô hỏi thăm và động viên Trinh ngày mai ra lớp.

Tiếp tục hành trình, các thầy, cô lại đến một ngôi làng khác cách điểm gửi xe chừng 5km, để tìm đến nhà em Đinh Thị Uyên, lớp 6A. Mấy ngày rồi, Uyên bữa đi học, bữa nghỉ. Căn nhà nằm trên một ngọn đồi, những ngôi nhà tối sầm, vì mọi người đã đóng cửa đi ngủ. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi khá bất ngờ với hình ảnh cô học trò nhỏ đang vo gạo nấu cơm, dù lúc này đồng hồ đã điểm hơn 21 giờ. Thoáng lo sợ khi thấy các thầy cô vào tận nhà, Uyên vội vã quay mặt đi, nhưng các thầy cô đã kịp gọi lại để trò chuyện. Và tấm chân tình của các thầy cô đã giúp Uyên thấy được "cái sai" của mình.
 

"Không gì hạnh phúc bằng khi nhìn thấy học trò mình đến lớp mỗi ngày. Dù khổ cực, nhưng đó là niềm hạnh phúc của người cầm phấn nơi vùng cao chúng tôi”.
Thầy giáo NGUYỄN VĂN KHÁNH

Nhà cách trường gần 10km, để đi học đúng giờ, mỗi ngày Uyên thức dậy từ 4 giờ sáng. Trên đường đi, may mắn gặp được người đi xe máy xin quá giang thì đến lớp đúng giờ, còn không thì vào lớp trễ.

Trong số các thầy cô đi vận động hôm nay, có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên khi Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Dung Nguyễn Văn Khánh, hơn 20 năm trước cũng từng thân chinh vào làng vận động học trò ra lớp học bổ túc văn hóa và một trong số đó là anh Đinh Văn Tâm, cha em Đinh Thị Uyên, nay thầy Khánh lại tiếp tục đi vận động con của học trò mình ra lớp.

Càng về khuya xóm làng càng trở nên vắng lặng, nhưng hành trình của các thầy cô vẫn chưa có điểm dừng. Thầy Nguyễn Chí Thành bảo, ít nhất hôm nay phải vận động được 5 học trò. “Chúng tôi biết hoàn cảnh các em, nên thường xuyên vào làng vận động. Nhìn các em đi bộ đường rừng đến lớp khi bụng sôi lên vì đói mà thương lắm. Ở miền xuôi thì trò đi tìm thầy để học, còn ở vùng cao này thì thầy phải đi tìm trò để dạy. Khó khăn, nhưng hạnh phúc, vì hầu hết các trường hợp thầy, cô đi vận động đều đến lớp đầy đủ", thầy Nguyễn Chí Thành tâm sự.

Cán bộ "dân vận" đặc biệt

Không chỉ đi học giã gạo, nhiều cô cậu học trò bỏ ngang chuyện học để đi làm. Biết chuyện, các thầy, cô tìm mọi cách để đưa học trò trở lại trường. Theo lời của thầy Nguyễn Văn Khánh, để vận động một học trò đã bỏ học trở lại lớp là chuyện không hề dễ dàng, nếu như không kiên trì. Như trường hợp của em Đinh Thị Huỳnh, lớp 9A, đang đi học chăm ngoan bỗng nghỉ học. Biết chuyện, các thầy cô vào tận nhà gặp phụ huynh để vận động em ra lớp, nhưng phụ huynh lắc đầu không biết con họ đi đâu. Không bỏ cuộc, các thầy cô dò hỏi trong học sinh và sau hơn một tuần, manh mối dần hé lộ: Huỳnh bỏ học đi vào Gia Lai hái cà phê.

Thầy Nguyễn Văn Khánh trò chuyện với em Đinh Thị Uyên khi vào nhà vận động em ra lớp.
Thầy Nguyễn Văn Khánh trò chuyện với em Đinh Thị Uyên khi vào nhà vận động em ra lớp.


“Trường không thể cử người vào tận Gia Lai tìm Huỳnh được, nên nhờ đến chính quyền can thiệp để địa phương nơi Huỳnh đang làm đưa em về quê. Ở trường, các thầy cô lên lịch đón ngay sau khi em về đến Sơn Tây để thăm hỏi, động viên cũng như chỉ ra những cái sai của Huỳnh. Mất 3 đêm thuyết phục, tặng quần áo, bút vở cuối cùng Huỳnh đã đi học trở lại", thầy Khánh cho biết.

Mùa này đi tìm học trò khó một, thì vào mùa mưa hành trình tìm trò càng gian nan hơn. Bởi mưa xuống, đường vào làng hết sức khó đi. Nhiều thầy, cô trong hành trình đi vận động bị té ngã, thương tích... Khó khăn là vậy, nhưng hình ảnh những người thầy, người cô lọ mọ dò đường vào làng giữa đêm hôm đã trở nên quen thuộc với người dân xứ ngàn cau.

Trong những lần đi vận động thuyết phục học trò trở lại lớp, nhiều thầy, cô còn kiêm luôn việc vận động phụ huynh không được phá rừng, không được mê tín dị đoan... Và công sức của các thầy cô đã cho quả ngọt, khi nhiều cô cậu học trò trước đây từng khiến thầy, cô nhiều phen vất vả đi vận động như em Đinh Văn Dũng, Đinh Văn Bình... thì nay đã tốt nghiệp cao đẳng nghề ra trường và đang có việc làm ổn định.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

---------------
Bài tham gia Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý".



 


CÁC TIN KHÁC
.