Quản lý, khai thác rừng ngập mặn: Gắn với sinh kế người dân

10:02, 18/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi được “xanh hóa”, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh không chỉ phòng hộ chắn sóng, chống sạt lở, cải thiện môi trường sinh thái và bảo đảm an toàn dân sinh khu vực ven biển, mà còn trở thành những địa điểm nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái hấp dẫn. Điều này đặt ra công tác quản lý, bảo vệ và khai thác rừng ngập mặn sao cho hiệu quả, tạo sinh kế bền vững cho người dân trong khu vực.
Đơn cử như khu vực bầu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn). Từ khi hơn 50ha rừng ngập mặn ở đây được “xanh hóa” nhờ cây cóc trắng bản địa và đước, thì nhiều loại thủy sản và các loài chim, cò, đặc biệt là vịt trời sinh sôi phát triển.  
 
Nếu quản lý và khai thác phù hợp, rừng ngập mặn khu vực bầu Cá Cái hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân địa phương qua việc khai thác du lịch sinh thái.
Nếu quản lý và khai thác phù hợp, rừng ngập mặn khu vực bầu Cá Cái hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân địa phương qua việc khai thác du lịch sinh thái.
Bầu Cá Cái hiện trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khá nhiều du khách đến du lịch khám phá, trải nghiệm cảnh quan và cuộc sống cư dân, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Đây là “quả ngọt” của việc triển khai thực hiện 4 dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển, giai đoạn 2015 - 2020, gồm: Trồng mới 308ha rừng ngập mặn; trồng mới 192ha rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường; trồng 200ha và cải tạo 50ha rừng ngập mặn ven biển các xã ven biển.
 
Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải: “Phát huy vai trò chủ thể của người dân vùng ven biển”
 
Bên cạnh hưởng lợi từ việc nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản, người dân ở các khu vực dự án trồng rừng ngập mặn thuộc quy hoạch rừng phòng hộ của tỉnh còn được hỗ trợ chi phí giao khoán bảo vệ với mức 450.000 đồng/ha. Chính vì vậy, hiệu quả đạt được không chỉ là bảo đảm môi trường sinh trưởng của các loài thủy hải sản vùng cửa sông ven biển, mà còn tạo các hoạt động sinh kế của nhân dân xung quanh khu vực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống cộng đồng thông qua phát triển du lịch sinh thái.
 
Về lâu dài, để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, nhất là việc khai thác du lịch sinh thái, thì chính quyền các địa phương nghiên cứu thành lập hợp tác xã hoặc tổ quản lý, với sự tham gia của các hộ dân trong khu vực. Các hợp tác xã chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế bảo vệ và quản lý, hạn mức khai thác; đồng thời kết nối với các đơn vị lữ hành thiết kế các tour du lịch, hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện... Riêng việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, người dân phải theo quy định về loài, kích cỡ mắc lưới khai thác, thời gian khai thác... Ngoài ra, các ngành chức năng cũng xem xét, tạo điều kiện cho người dân ven biển vay vốn ưu đãi, để đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
 
Giám đốc Ban Quản lý Dự án thành phần GCF Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hân: “Cần nâng cao nhận thức của người dân"
 
Vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường sinh thái và xã hội. Chính vì vậy, tại một số khu vực ven biển, người dân nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong rừng ngập mặn ven biển. Như tại khu vực sông Vực Hồng, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) thường xuyên bị sạt lở, đe dọa việc sản xuất nông nghiệp và cuộc sống người dân. Tuy nhiên, hơn 2,66ha rừng ngập mặn tại Vực Hồng (do Dự án GCF hỗ trợ) vẫn chưa được triển khai thực hiện.
 
Nguyên nhân, người dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) không đồng tình, do lo ngại rừng ngập mặn sẽ khiến dòng chảy của sông Vực Hồng gây xói lở, sạt lở và việc khai thác thủy sản sẽ bị gián đoạn trong thời gian tiến hành trồng cây. Mặc dù Ban Quản lý Dự án thành phần GCF Quảng Ngãi đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, nhưng đến thời điểm này, người dân xã Nghĩa An vẫn... không hợp tác!
 
Chính vì vậy, để bảo vệ và mở rộng diện tích rừng ngập mặn, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Có như vậy, người dân mới quan tâm chăm sóc, bảo vệ và không tự ý đốn chặt cây; không lấn chiếm diện tích rừng ngập mặn, để xây ao hồ nuôi trồng thủy sản, làm cản trở và gây lệch dòng chảy sông lạch...
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: “Thực hiện mô hình đồng quản lý, bảo vệ và khai thác”
 
Đó là chính quyền địa phương, chủ rừng, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức tự nguyện tham gia quản lý rừng; kết hợp trồng, bảo vệ và chia sẻ lợi ích từ rừng, mà không làm ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên. Việc đồng quản lý sẽ nhận được sự đồng thuận, hợp tác của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, vì các bên đều chú trọng đến sinh kế bền vững, qua việc khai thác hợp pháp nguồn lợi dưới tán rừng ngập mặn.
 
Bên cạnh đó, để rừng ngập mặn mang lại sinh kế bền vững cho người dân, trong đó có việc khai thác du lịch sinh thái thì, có thể kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, như: Hệ thống giao thông, điện, bến bãi... cũng như kết nối và thiết kế các sản phẩm du lịch phù hợp. Việc khai thác rừng ngập mặn phải đảm bảo mục tiêu “bảo vệ và phát triển rừng gắn với sinh kế bền vững cho người dân”. Trong đó, ưu tiên quản lý rừng ngập mặn hiện có và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung: “Cân nhắc việc xã hội hóa công tác bảo vệ, quản lý và khai thác rừng ngập mặn”
 
Huyện Bình Sơn là một trong những địa phương được đầu tư trồng rừng ngập mặn lớn nhất tỉnh, với tổng diện tích trên 100ha. Đến nay, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở các xã Bình Phước, Bình Thuận... khép tán và mang lại nguồn lợi rất lớn cho người dân, nhất là việc chăn nuôi gia cầm, nuôi và khai thác thủy sản, phục vụ du lịch sinh thái...
 
Kinh phí trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn do Nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện. Vì vậy, việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và khai thác nên được cân nhắc, để tránh tình trạng “thương mại hóa”, tác động tiêu cực đến rừng ngập mặn. Để phát huy hiệu quả của rừng ngập mặn, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần chi phí đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi; còn việc quản lý, bảo vệ và khai thác nên giao cho cộng đồng địa phương. Thực tế, người dân địa phương đã nhận thấy những lợi ích mà rừng ngập mặn mang lại, nhất là hệ sinh thái ven biển và sinh kế, nên chắc chắn, họ sẽ bảo vệ và phát huy tốt “cần câu cơm” này, qua sự giám sát của chính quyền địa phương.
 
Ông Nguyễn Văn Hiền, thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn): “Giúp người dân vùng dự án hưởng lợi”
 
Từ khi có rừng ngập mặn, chúng tôi có thêm thu nhập thông qua việc nuôi vịt biển, khai thác thủy sản. Đặc biệt, thời gian qua, người dân đến tham quan bầu Cá Cái khá đông, nhất là vào dịp cuối tuần và lễ, Tết. Thời gian tham quan khu vực bầu Cá Cái khoảng 60 - 75 phút, mỗi ghe chở 3 - 4 người, phí 200 nghìn đồng/ghe. Tuy nhiên, để phục vụ du khách tốt hơn, tôi đề nghị xã thành lập “đầu mối”, để quản lý và kiểm soát hoạt động du lịch, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
 
Hợp phần trồng, quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn thông qua Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi” (do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại) đã triển khai trồng, bảo vệ và quản lý hơn 133ha rừng ngập mặn trên địa bàn các xã Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bình Đông (Bình Sơn) và Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), với tổng diện tích hơn 133ha. Từ năm 2014 đến nay, dự án GCF đã hỗ trợ trồng hơn 102,4ha rừng ngập mặn tại các địa phương trên địa bàn huyện Bình Sơn.

 

Mỹ Hoa 
(thực hiện)

 


.