Nỗi lo lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

05:12, 14/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, nông dân thường sử dụng thuốc diệt cỏ trước khi làm đất gieo sạ lúa, sản xuất rau màu và cả trong trồng rừng. Cách làm này tuy giảm được công lao động, nhưng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của chính người nông dân và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

TIN LIÊN QUAN


Lạm dụng thuốc diệt cỏ “siêu tốc”

Chuẩn bị bước vào vụ sản xuất đông xuân 2018-2019, đầu tháng 12, chúng tôi đi dọc các cánh đồng sản xuất lúa quy mô lớn trong tỉnh và không khỏi lo lắng khi chứng kiến cảnh nông dân dùng thuốc diệt cỏ để phun trước khi làm đất. Nhiều cánh đồng nằm cạnh các khu dân cư, trục đường giao thông, nhưng nông dân vẫn vô tư phun thuốc diệt cỏ.

Bước vào vụ đông xuân 2018-2019, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng thuốc diệt cỏ trước khi làm đất.
Bước vào vụ đông xuân 2018-2019, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng thuốc diệt cỏ trước khi làm đất.


Một nông dân đang phun thuốc diệt cỏ tại một cánh đồng trên trục đường xuống xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cho biết: Tôi thường sử dụng thuốc Nimaxon 20SL, loại 450ml để phun diệt cỏ trước khi làm đất gieo sạ. Loại thuốc này, sau khi phun từ một đến hai ngày là toàn bộ cỏ trên đồng ruộng đều bị cháy rụi, nên nông dân gọi là "thuốc diệt cỏ siêu tốc".

Cũng theo người nông dân này, những năm trước nông dân ít khi sử dụng thuốc trừ cỏ phun trước khi làm đất, chủ yếu diệt cỏ bằng thủ công, hoặc máy móc là chính. Tuy nhiên, do lực lượng lao động ở nông thôn ngày càng ít, chi phí diệt cỏ bằng hình thức thủ công cao, nên hầu hết người dân chuyển sang dùng thuốc diệt cỏ, nhiều nhất là trước khi sản xuất vụ hè thu.

Dẫu biết việc lạm dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất nông nghiệp sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường, sức khỏe con người, song vì cái lợi trước mắt, nên hầu hết nông dân đều sử dụng. Mặt khác, điều đáng lo ngại là, dù trên bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc diệt cỏ đều có ghi liều lượng sử dụng trên một đơn vị diện tích, song không phải nông dân nào cũng biết mà sử dụng theo hướng dẫn, trong khi đó các cơ quan chức năng thì không kiểm soát được việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Không những thế, sau khi phun thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV, nhiều nông dân tiện tay vứt bao, lọ dựng thuốc ngay trên cánh đồng, hoặc mương nước, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
 

Sử dụng thuốc BVTV nhiều và khó kiểm soát


Theo thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc BVTV nhiều và khó kiểm soát. Trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn có một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn.


Tăng cường thanh tra, kiểm soát

Vụ đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh gieo sạ khoảng 38.371ha lúa, với việc đồng loạt xuống giống sẽ không tránh khỏi việc nông dân lạm dụng các loại thuốc BVTV trước khi vào vụ mới. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý các loại thuốc BVTV từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra.

Nông dân vứt chai đựng thuốc diệt cỏ sau khi sử dụng, gây nhiều nguy hại cho môi trường.
Nông dân vứt chai đựng thuốc diệt cỏ sau khi sử dụng, gây nhiều nguy hại cho môi trường.


Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 550 đại lý có giấy chứng nhận kinh doanh thuốc BVTV. Trong năm 2018, chi cục tổ chức 3 cuộc thanh tra, với 103 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra đã lấy 20 mẫu thuốc BVTV, 10 mẫu giống lúa, 18 mẫu phân bón để gửi phân tích chất lượng. Qua đó, phát hiện và tham mưu xử phạt 26 tổ chức, cá nhân vi phạm, với số tiền trên 193 triệu đồng.

Nhận thấy những nguy hại trước thực trạng nông dân lạm dụng thuốc BVTV, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở chuyên ngành tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra... về quản lý, sử dụng thuốc BVTV.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN



        
                         
 


.