Lộn xộn thị trường thuốc bảo vệ thực vật

10:10, 30/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đã nỗ lực để chấn chỉnh, nhưng hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh vẫn còn lộn xộn, khiến người tiêu dùng chịu thiệt...

TIN LIÊN QUAN


Từ thao túng thị trường...

Tại một số cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV ở các địa phương trong tỉnh, ngoài tình trạng “mỗi nơi một giá”,  thì các chủ cửa hàng thường “tư vấn” người mua các sản phẩm nhái với nhãn hiệu nổi tiếng. Đơn cử như loại thuốc đặc trị khô vằn, lem lép hạt. Trong khi ngành chuyên môn khuyến cáo người dân nên sử dụng sản phẩm Anvil của hãng Syngenta sản xuất, các chủ đại lý kinh doanh thuốc BVTV lại giới thiệu các loại thuốc AVTvil, Antuvil... Vì các loại sản phẩm ANTvil, Antuvil có mẫu mã, nhãn mác na ná với Anvil, nên người dân rất khó phân biệt. Điều đáng nói, các loại thuốc AVTvil, Antuvil là hàng Trung Quốc, nên hiệu quả sử dụng thấp hơn sản phẩm thương hiệu Anvil do Thụy Sĩ sản xuất.

Nông dân rất khó phân biệt các loại thuốc bảo vệ thực vật và cũng không biết giá bán thực của các loại thuốc.
Nông dân rất khó phân biệt các loại thuốc bảo vệ thực vật và cũng không biết giá bán thực của các loại thuốc.


Hay như trường hợp thuốc đặc trị bệnh đạo ôn, trong khi nông dân tin tưởng sử dụng các sản phẩm đặc hiệu do Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo như Fujione, Bean, Plast... thì các chủ cửa hàng lại “quảng cáo” và bán cho nông dân loại thuốc không nhãn mác, do Trung Quốc sản xuất với giá gấp đôi. Hậu quả là dù đã phun thuốc 3-4 lần, nhưng cây lúa vẫn cháy khô, vì bị bệnh đạo ôn gây hại.

Đại diện lãnh đạo các công ty phân phối thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh cho biết: “Chính doanh nghiệp cũng chịu sự tác động lớn từ các đại lý kinh doanh thuốc BVTV”. Bởi, doanh nghiệp chỉ phân phối các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, trong khi các cửa hàng bán thuốc BVTV lại bán các sản phẩm “ăn theo” để tăng lợi nhuận. Vì vậy, các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu đều rất khó đến được với người tiêu dùng.

...đến loạn giá bán

Bên cạnh việc “tung hỏa mù” về sản phẩm, thì giá bán lẻ thuốc BVTV cũng rơi vào tình trạng mỗi nơi một giá.

“Họ nói giá bao nhiêu, mình trả bấy nhiêu, chứ nào biết được giá trị thực của sản phẩm. Mà sao các chủ cửa hàng bán thuốc BVTV không niêm yết giá để người dân biết?”, ông Lê Đình Dung, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) đặt vấn đề.

Vì không biết được giá, nên người dân thường chịu thiệt thòi khi mua thuốc BVTV với giá cao, nhưng chất lượng thấp. Hơn nữa, lợi dụng suy nghĩ của người mua là “giá càng cao, thuốc càng tốt”, nên các chủ cửa hàng bán thuốc BVTV tăng giá bán các sản phẩm “ăn theo” hoặc kém chất lượng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá các loại thuốc BVTV đều do các chủ đại lý tự quyết định. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi nơi một giá. Cùng một loại thuốc đặc trị đạo ôn Fujione, nhưng giá bán ở các cửa hàng, đại lý ở huyện Sơn Tịnh lệch nhau 5.000-10.000 đồng...

Thời gian qua các cơ quan chức năng đã nỗ lực chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc BVTV bằng cách tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý... và 9 tháng đầu năm 2017, đã xử phạt cơ sở có vi phạm số tiền trên 30 triệu đồng. Thế nhưng, việc kinh doanh thuốc BVTV vẫn còn lộn xộn. Tình trạng cửa hàng, kinh doanh thuốc BVTV thao túng giá, không niêm yết giá bán sản phẩm hoặc bán thuốc kém chất lượng, không mẫu mã, nhãn mác... vẫn thường xảy ra. Thậm chí có điểm còn bán thuốc BVTV không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khi đó, khách hàng của các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV là nông dân, nên không có điều kiện tiếp cận thông tin sản phẩm chất lượng, có thương hiệu. Vì vậy, hầu hết nông dân khi mua thuốc BVTV thường đặt niềm tin vào các chủ đại lý kinh doanh, nên rất thiệt thòi khi xảy ra rủi ro, thiệt hại. Do đó, người dân rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc BVTV.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.