Không được chủ quan với cúm gia cầm

02:02, 17/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Dịch cúm gia cầm vẫn đang bùng phát mạnh mẽ ở các xã của huyện Đức Phổ. Tuy nhiên, tình trạng mua bán, giết mổ và vận chuyển gà, vịt trên địa bàn huyện vẫn diễn ra bình thường. Đây là điều kiện để vi rút cúm A/H5N1 có khả năng lây lan sang người.
Ngay sau khi xảy ra dịch cúm, ngành y tế đã tăng cường xuống cơ sở và các chợ để tuyên truyền về việc hạn chế tiếp xúc với gia cầm, không giết mổ, vận chuyển gà vịt từ ổ dịch ra các nơi khác. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn làm ngơ trước cảnh báo này.
 
Tại chợ thị trấn Đức Phổ, hàng bán gà vịt và giết mổ thời gian này vẫn tấp nập như bình thường. Điều đáng lo ngại, khu vực chợ này là nơi tập trung gà vịt từ các xã lân cận như: Phổ Văn, Phổ Hòa, Phổ Nhơn… là những nơi đang bùng phát dịch cúm gia cầm. Mỗi ngày, các tiểu thương bán ra trên dưới 100 con gà, vịt sống và được giết mổ ngay tại chỗ.
 
 
Hoạt động mua bán gia cầm trong vùng dịch vẫn xảy ra thường xuyên
Hoạt động mua bán gia cầm trong vùng dịch vẫn diễn ra.
 
Ai đến khu vực giết mổ này cũng phải rùng mình vì lông gà, vịt và chất thải chảy ra lênh láng một góc chợ. Ngày thường đều vậy. Nhưng những ngày có dịch cúm gia cầm, hoạt động này vẫn không hề giảm. Chị Lê Thùy Linh- tiểu thương bán gà cho hay: Dịch ở đâu chứ ở thị trấn thì làm gì có, nên sau Tết chúng tôi vẫn mua bán bình thường. Giá gà, vịt không hề giảm: Khoảng 90.000-110.000 đồng/kg gà sống, 50.000 đồng/kg vịt sống. Cứ yên tâm mà mua về ăn, không bị cúm cảm gì cả đâu.
 
Chính những lời nói này, mà nhiều người dân vẫn tin tưởng đến chọn mua gà, vịt tại chợ trong thời điểm nhạy cảm này. Nhiều bà mẹ còn dẫn cả con nhỏ vào khu vực giết mổ chờ lấy. Anh Phạm Văn Hiếu từ xã Ba Liên, Ba Tơ chọn mua 3 con vịt sống để về làm cỗ. Khi được thông báo về dịch cúm đang bùng phát tại huyện Đức Phổ thì anh Hiếu tỏ ra rất ngạc nhiên: Tôi làm gì biết đang có dịch cúm. Lỡ mua mấy con vịt này rồi thì đành đem về làm thịt chứ biết làm sao.
 
Cũng như anh Hiếu, nhiều người dân tỏ ra không hề quan tâm, làm ngơ trước dịch cúm, từ người bán, đến người mua và các hàng giết mổ. Khi được hỏi về các nguy cơ cúm gia cầm có thể lây qua người, nhiều người dân vẫn khá chủ quan. “Bao lâu nay chúng tôi đều làm gà, vịt theo kiểu cũ (không đồ bảo hộ, khẩu trang hay găng tay). Từ trước đến giờ, Đức Phổ chưa hề có dịch cúm nên tôi cũng không lo gì cả”- Chị Trần Thị Tươi làm nghề giết mổ gà, vịt tại chợ thị trấn Đức Phổ vô tư nói.

 

Việc giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh sẽ dễ xảy ra nguy cơ vi rút cúm A/H5N1 lây sang người
Việc giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh sẽ dễ xảy ra nguy cơ vi rút cúm A/H5N1 lây sang người.
 
Không riêng gì chợ thị trấn Đức Phổ, các chợ trong khu vực xã xảy ra dịch cúm như chợ Trà Câu (Phổ Văn), chợ Phổ Cường… vẫn bày bán gia cầm rất công khai. Hầu hết người dân ở đây không hề đề phòng đến các nguy cơ dịch cúm có thể lây qua người và gây tử vong.
 
Trong khi đó, ngành y tế vẫn tiếp tục khuyến cáo về nguồn lây của bệnh cúm gia cầm chủ yếu qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh, nhưng có vẻ như những cảnh báo đó không mấy được người dân quan tâm. Ông Võ Văn Thuận- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Phổ cho biết: Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với ngành thú y để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguy cơ lây bệnh cúm gia cầm.
 
Trên thực tế, việc ăn gia cầm bị chết và giết mổ gia cầm bị bệnh vẫn còn diễn ra ở khá nhiều nơi. Đây rõ ràng là một thách thức khá lớn đối với các ngành chức năng trong công tác  phòng chống cúm gia cầm.
 

Dịch cúm gia cầm đã lan ra 12 tỉnh

Thông báo mới nhất từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho hay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 12 tỉnh.

Đó là các tỉnh Lào Cai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Phú Yên và Đăk Lăk. Trong đó có 10 tỉnh đã công bố dịch.

Tại Long An, Sở NN&PTNT Long An cho biết, tỉnh đã chính thức công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở khu vực hai xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) và Bình Quới (Châu Thành). Sau khi công bố dịch, Chi cục Thú y và lực lượng địa phương đã tiến hành tiêm chích, khử trùng và tiêu hủy đối với các gia cầm có dấu hiệu nhiễm cúm.

Trong khi đó, Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm tại 2 huyện Hồng Dân và Phước Long và có trên 3.400 con gia cầm bị bệnh chết phải tiêu hủy. Trong đó có 2.390 con gia cầm chết bất thường tại hai hộ chăn nuôi. Qua kết quả kiểm tra xét nghiệm của ngành thú y kết luận số gia cầm này đều dương tính với cúm A/H5N1.

Riêng tại Đăk Lăk, dịch bệnh đã xảy ra ở 3 xã thuộc TP Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc và huyện Buôn Đôn. Số gia cầm buộc phải tiêu hủy gần 2.000 con. Hiện Chi cục Thú y Đăk Lăk đang phối hợp với Cơ quan thú y vùng V và chính quyền địa phương tổ chức chống dịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng đã công bố dịch, khi chiều 16/2 phát hiện ba mẫu bệnh phẩm của đàn vịt nuôi tại hộ ông Huỳnh Tấn Thành ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa dương tính với cúm A/H5N1.

Cục Thú y cho biết, hiện nguồn vaccine dự phòng cho cúm gia cầm đảm bảo đủ cung cấp cho các tỉnh chống dịch. Điều quan trọng lúc này là các địa phương phải quyết định sớm vấn đề công bố dịch bệnh.
 

 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.