Hậu AFF Cup 2010: “Gót chân Asin” của HLV Alfred Riedl

08:12, 30/12/2010
.
Thêm một lần nữa, A. Riedl - HLV thân quen của bóng đá khu vực và là người bạn của Việt Nam lại về nhì.
 
Ông khởi đầu sự nghiệp ở Việt Nam là HCB Tiger cup 1998. 12 năm sau, ông cũng khởi đầu bóng đá Indonesia bằng một vị trí tương tự. Hình như có một “gót chân Asin” vẫn đang quay xung quanh vị HLV này.
 
Có một sự thật là hễ HLV Riedl dẫn quân đi đá ở xứ người thì chỉ thắng được vòng bảng hoặc bán kết, còn trận tử chiến cuối cùng thì ông đều thất bại.
 
Yếu vía trận cuối
 
HLV A. Riedl (Ảnh: Trang cá nhân của A. Riedl)
HLV A. Riedl (Ảnh: Trang cá nhân của A. Riedl)
Kể từ khi HLV A. Riedl đổ bộ xuống vùng trũng bóng đá Đông Nam Á thì ông đã có 3 giai đoạn làm việc tại Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia, U23 và các câu lạc bộ thuộc V-League.
 
Trong hơn 10 năm ấy, ông A. Riedl đã đem lại nhiều thành công cho bóng đá Việt Nam. Và bản đồ huy chương của bóng đá khu vực luôn có sự xuất hiện của đoàn quân áo đỏ.
 
Chia tay “quê hương thứ 2” của mình, ông Riedl sang Lào để thay đổi bộ mặt bóng đá nước này và đã giành được suất vào bán kết SEA Games 26 – một kỳ tích đáng tự hào của đất nước Triệu voi.
 
Và ngày 4/5/2010 ông ký hợp đồng làm HLV trưởng đội tuyển Quốc Gia Indonesia với mục tiêu săn vàng cho bóng đá xứ vạn đảo.
 
Trận thua tan tác 0 – 3 trước Malaysia ở chung kết lượt đi chỉ tô đen cho bản danh sách những trận đấu quan trọng nhưng thất bại của vị HLV người Áo.
 
Còn nhớ SEA Games 20 tại Brunei, ĐTVN thắng như chẻ tre tại vòng bảng, vào gặp ĐKVĐ Thái Lan ở trận chung kết và thua. Dẫu biết rằng thời điểm đó người Thái không trội hơn ĐTVN nhưng lại có miếng đánh độc là… sút xa.
 
Những quả sút xa của Chaiman, Dusit không làm cho ông thức tỉnh và sốc lại đội hình mà vẫn dập khuân sơ đồ chiến thuật 5 – 3 – 2. Hệ quả là khu trung tuyến bị vỡ, hàng phòng ngự lại quá đông người và khi đó những cú xa của người Thái phát huy hiệu quả. Giải đấu kết thúc cho một lứa “Thế hệ vàng” chỉ giành được… bạc.
 
Tiger Cup 2000 cũng vậy, ĐTVN đứng đầu bảng và gặp Indonesia ở bán kết và thua sát nút với tỷ số 2 – 3. Sau đó, đoàn quân áo đỏ suy sụp tinh thần và để người Mã lai giành nốt tấm HCĐ an ủi. Một giải đấu trắng tay cho ĐTVN và cả HLV Riedl.
 
SEA Games 22, U23 Việt Nam cũng hết nước mắt khi cơ hội giành vàng cao hơn bao giờ hết nhưng cuối cùng cũng chỉ là màu bạc nhàm chán.
 
Có thể thấy, ở những trận đấu quyết định tấm vé vào chung kết hay chức vô địch, ông Riedl thường thất bại một cách đau đớn hoặc lãng xẹt. Không thể đổ hết lỗi cho ông ở những thất bại này. Những thất bại của ĐTVN chủ yếu là những nguyên nhân khách quan (không phải do HLV) như mất vị trí quan trọng, thể lực yếu, thiếu may mắn... Nhưng người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là HLV, đó là lẽ tất nhiên của cuộc chơi.
 
“Khôn nhà dại chợ”
 
Điểm qua những thành tích cùng bóng đá Việt Nam, ông Riedl luôn giành những thành tích cao chỉ khi đội bóng của ông chơi trên sân nhà. Đội tuyển Việt Nam giành huy chương bạc Tiger Cup 1998; huy chương đồng Dunhill Cup 1999; huy chương bạc SEA Games 1999, 2003, 2005 và mới đây nhất là vào tứ kết Asian Cup 2007.
 
Ở những giải đấu giao hữu thì ông cũng đưa ĐTVN giành vị trí cao như: huy chương bạc LG Cup 2000, vô địch LG Cup 2003. Ngoại trừ, 2 giải Sea Games trên đất Brunei (1999) và Phillipines (2005) – những nơi trung lập, không phải sân nhà của những đối thủ mạnh cạnh tranh trực tiếp chức vô địch với Việt Nam.
 
Chúng ta thường quen với thuật ngữ “sức mạnh tinh thần”, tức ĐTVN ngoài sức mạnh đó ra, không còn gì là điểm mạnh nữa. Thế nên khi đá mà không có khán giả nhà cổ vũ, các chàng trai đất Việt luôn cóng chân.
 
Thất bại 0 – 2 trên sân Bukit Jalil ở trận bán kết lượt đi minh chứng cho một điều “bệnh” này vẫn còn tàn dư đến triều đại của HLV Calisto. Tài năng của HLV Riedl đã được kiểm chứng nhưng làm thuyền trưởng một đội bóng chỉ đá hay trên sân nhà như tuyển VN thì ông cũng gói hành lý ra đi.
 
Bóng đá Indonesia không khác gì Việt Nam, vẫn ở trạng thái “khôn nhà dại chợ”. Bởi thế, trước khi AFF Suzuki cup diễn ra, Liên đoàn bóng đá nước này đã tổ chức cho đội tuyển tập huấn dài hạn tại châu Âu và gọi những cầu thủ gốc ngoại vào đội tuyển để khắc phục điểm yếu tâm lý.
 
Thế nhưng, một đợt tập huấn cũng không thể thay đổi được bản chất cố hữu của bóng đá “vùng trũng” ít được chơi ở những giải đấu đỉnh cao như Asian cup hay World cup. Cặp tiền đạo nhập tịch Irfan Bachdim và Cristian Gonzales cũng không thể ghi bàn khi những vệ tinh xung quanh chơi quá thường.
 
Cũng với con người ấy, Indonesia thắng như chẻ tre chính đối thủ Malaysia 5 – 1, hạ Lào 6 – 0, tiễn Thái 2 – 1 cùng sự may mắn khi chơi 2 trận bán kết đều trên sân Gelora Bung Karrno. Nhưng khi “diễn” trên đất Mã Lai, HLV Riedl vẫn đi theo vết đổ của mình hơn chục năm nay khi để thủng trắng 3 bàn.
 
Trận thắng 2 - 1 hôm qua trước Malaysia chỉ làm cho bữa tiệc của đối phương thêm màu sắc. Còn đất nước vạn đảo với hơn 260 triệu dân vẫn mơ một ngày chạm tay vào chức vô địch khu vực.
 
Những quy luật rất riêng trong đời HLV của ông Riedl không phải do tài năng kém mà có lẽ bóng đá khu vực Đông Nam Á là vậy. “Khôn nhà dại chợ” mãi thôi.
 
Theo Bee

.