Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh- Niềm tự hào của quê hương Ấn Trà

02:02, 01/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh (1925 - 2001), sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, trưởng thành từ chiến hào và phát triển sự nghiệp tại Thủ đô Hà Nội. Tên tuổi của ông được gắn liền với nhiều giải thưởng danh giá của nền hội họa trong nước và thế giới.
 
Dù không gắn bó cả đời với nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng Quảng Ngãi vẫn luôn ghi ơn ông, tự hào về người con quê hương Đường Ngọc Cảnh. Và hôm nay, giữa lòng TP.Quảng Ngãi có một con đường mang tên người họa sĩ tài hoa này.
 
Người họa sĩ tài hoa
 
Quê ở huyện Tư Nghĩa, với năng khiếu thiên bẩm, từ nhỏ Đường Ngọc Cảnh đã theo học lớp hội họa Nguyễn Đỗ Cung ở Khu 5 (1948), rồi học ở Trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam (khóa I), sau đó sang Ukraina (1960 - 1965) tu nghiệp... 
Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh cùng vợ chụp chung với tác phẩm “Lá bàng mùa thu” nằm trong nhóm các tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.                     Ảnh: nvcc
Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh cùng vợ chụp chung với tác phẩm “Lá bàng mùa thu” nằm trong nhóm các tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Ảnh: nvcc
Đường Ngọc Cảnh được biết đến là họa sĩ chuyên sáng tác tranh khắc. Sau những tranh khắc gỗ về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông chuyên sáng tác trên thạch cao và là người làm tranh khắc thạch cao đầu tiên của Việt Nam.
 
Dường như nỗi lòng đau đáu nhớ quê, đề tài trong tranh Đường Ngọc Cảnh chủ yếu là phong cảnh, hoa trái của thửa ruộng, mảnh vườn tuổi thơ, với nhiều nét đặc sắc, mang đến cho người xem những cảm xúc tươi đẹp, mới lạ.
 
Một đời đam mê sáng tạo nghệ thuật, tác phẩm của hoạ sĩ Đường Ngọc Cảnh đã đạt giải Ba - Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 1960), Giải B tranh cổ động quốc tế tại Ba Lan năm 1966; Giải B Triển lãm Đồ hoạ toàn quốc năm 1985; Giải A Triển lãm Mỹ thuật khu vực I (Hà Nội) Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995.
 
Năm 2001, hoạ sĩ Đường Ngọc Cảnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Hai vòng ngụy trang - khắc cao su (1968); Vót chông - khắc gỗ (1968); Hoa chuối rừng - khắc thạch cao (1995); Lá bàng mùa thu - khắc thạch cao (1994); Hoa ti gôn - khắc thạch cao (1998); Lan Ý - khắc thạch cao (1998).
 
"Ba tôi một đời sống giản dị, chỉ biết vẽ và dạy vẽ. Ông dành cả một đời để làm tốt bổn phận của mình với gia đình và quê hương, cháy hết mình với đam mê nghiệp vẽ. Ông luôn khát khao, mong mỏi trước khi qua đời rằng, quê hương Quảng Ngãi sẽ mãi luôn gần gũi qua nét vẽ, ống kính của các con mình...".
 
Họa sĩ ĐƯỜNG HỒNG MAI, con gái họa sĩ Đường Ngọc Cảnh
Cha truyền con nối
 
Là giảng viên, Chủ nhiệm Khoa Đồ họa - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (1965 - 1985); Ủy viên Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, khoá II (1983 - 1989), ngoài việc đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ đồ họa, họa sĩ Đường Ngọc Cảnh cũng là người truyền cảm hứng, tình yêu hội họa cho hai người con của mình. Cả nhà họa sĩ có giai đoạn, một mình người phụ nữ Hà thành mài mực, rửa bút cho cả chồng và hai con sáng tác tranh. Những năm tháng gian khó, ngôi nhà nhỏ của ông ở Hà Nội chẳng có gì ngoài tranh... 
 
Tác phẩm “Lá bàng mùa thu” và tác phẩm “Hoa chuối rừng” của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh.
Tác phẩm “Lá bàng mùa thu” và tác phẩm “Hoa chuối rừng” của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh.
Thừa hưởng tài năng của ông, hai người con sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường đều tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành. Trong đó, người con gái là nữ họa sĩ Đường Hồng Mai, hiện đang là họa sĩ sáng tác bìa sách tại Nhà xuất bản Chính trị Sự thật Quốc gia. Người con trai là Đường Mai Phương, họa sĩ sáng tác tranh cổ động.
 
Chị Đường Hồng Mai còn là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng đất Hà thành, với nhiều tác phẩm được triển lãm, trao giải tại các giải thưởng nhiếp ảnh lớn trên thế giới. Mỗi khi có điều kiện, chị lại vác máy ảnh lên đường đến mọi miền quê trên thế giới, để ghi lại những khoảnh khắc về đất trời, thiên nhiên và con người.
 
Chị cũng đã từng nhiều lần vác ba lô lặn lội về tận vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi để sáng tác. Mỗi bức ảnh là sự sáng tạo, kỳ công, vất vả khó tả, nhưng vì lòng đam mê, tình yêu dành cho nhiếp ảnh trong chị chưa bao giờ dừng lại.
 
Thanh Huyền
 

.