Gìn giữ sắc phong như Bảo vật

02:01, 29/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Đạo lý ấy như kim chỉ nam để trải qua hàng trăm năm, nhiều sắc phong, gia phả, hiện vật... của các bậc tiền hiền có công trạng với đất nước vẫn được con cháu đời sau gìn giữ, nâng niu như bảo vật.
 
Tại Quảng Ngãi, đến nay vẫn còn nhiều sắc phong có giá trị của các triều đại được nhiều người dày công gìn giữ.
 
Trân quý giá trị xưa
 
Con đường làng dẫn vào thôn Châu Mi, nay là thôn Phú Châu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) vẫn mang đậm nét quê, với lũy tre làng bên những đồng ruộng xanh rì, thoang thoảng hương lúa non... Theo chỉ dẫn của người dân trong làng, chúng tôi tìm đến nhà của nhà giáo hưu trí Nguyễn Văn Châu (70 tuổi), người đang gìn giữ 7 bản sắc phong mà bao thế hệ của gia đình trao truyền, cất giữ. Ông giáo già chia sẻ: Các tấm sắc phong ban cho dân làng Phú Châu theo từng thời điểm khác nhau, qua các thời vua Triều Nguyễn là Gia Long, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định... 
Nội dung một số bản sắc phong của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán được con cháu tạc lên bia tại đền thờ ông. ảnh: NV
Nội dung một số bản sắc phong của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán được con cháu tạc lên bia tại đền thờ ông. ảnh: NV
Sở dĩ, gia đình ông có trách nhiệm gìn giữ các bản sắc phong vì cách đây 500 năm, tổ tiên ông Châu có công khai hoang, lập ấp, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân trong làng. Trong 7 bản sắc phong có 3 sắc phong được các triều đại vua Nguyễn ban tặng cho làng Châu Mi, vì đã có công phụng thờ thần Ngũ Hành Tiên Nương. Bốn bản còn lại là sắc phong cho vị tiền hiền, Thành hoàng làng họ Nguyễn đã có công lập nên làng Châu Mi.
 
Trải qua nhiều thế hệ, 7 bản sắc phong mang giá trị lịch sử, giáo dục rất to lớn. Ông Châu nhớ lại: "Cha tôi cất giữ bản sắc phong rất kỹ, không ai có cơ hội thấy được. Ông để bản sắc phong vào ống tre, cất vào thùng gỗ. Khi chiến tranh, bom đạn dội xuống, cả làng đi tránh bom, ông giữ bản sắc phong như bảo vệ tính mạng của mình".
 
Sau khi người cha qua đời, 7 bản sắc phong được anh em ông Châu gìn giữ. “Tôi nghĩ, những bản sắc phong này có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử thì tại sao không treo ở nơi trang trọng để bà con, xóm giềng cùng chiêm ngưỡng. Vậy là, tôi đóng 7 khung gỗ đặt các bản sắc phong vào, đậy lớp kính lại đem treo trang trọng ở phòng khách, gian thờ tổ tiên”, ông Châu cho hay.
“Sắc phong ở tỉnh ta có hai loại: Sắc phong thần linh và sắc phong nhân vật. Trong hàng trăm bản sắc phong, thì sắc phong ban cho Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán là nhiều nhất. Tại đền thờ Bùi Tá Hán có 9 sắc phong cho ông từ thời Vua Cảnh Thịnh đến vua Khải Định. Trong đó, bản sắc phong thời Cảnh Thịnh là một trong hai bản sắc phong cổ nhất tìm thấy trong tỉnh”.
 
Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, 
TS.NGUYỄN ĐĂNG VŨ
Tiếp bước tiền nhân
 
Trong căn nhà của thầy Nguyễn Văn Đức (nguyên là giảng viên Trường Chính trị tỉnh) ở thôn 6, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), hiện còn lưu giữ 6 bản sắc phong, cũng như nhiều hiện vật quý được vua Tự Đức ban cho cụ Nguyễn Văn Chước. 
Bản sắc phong gốc vua ban cho cụ Nguyễn Văn Chước được con cháu gìn giữ. Ảnh: Ngọc Viên
Bản sắc phong gốc vua ban cho cụ Nguyễn Văn Chước được con cháu gìn giữ. Ảnh: Ngọc Viên
Cụ Nguyễn Văn Chước sinh năm 1832, tại làng Năng An, tổng Lại Đức, phủ Mộ Hoa (nay thuộc xã Đức Nhuận, Mộ Đức), là hậu duệ đời thứ 5 của ông Nguyễn Công Chánh - Thủy tổ họ Trần làng Năng An. Lúc 23 tuổi, cụ Nguyễn Văn Chước được vua Tự Đức sắc phong bổ dụng chức Đội trưởng đội thủy vệ tỉnh Quảng Nghĩa. Với tài năng và đức độ hơn người, cụ liên tục được bổ nhiệm những năm sau đó. Trải qua hơn 112 năm, các bảo vật liên quan đến tổ tiên của cụ Nguyễn Văn Chước vẫn được con cháu gìn giữ như những báu vật.
 
Mở chiếc tủ của gia đình, ông Đức lấy ra 6 sắc phong vẫn còn nguyên vẹn. Ông bảo: Biết bao nhiêu biến cố xảy ra, rồi chiến tranh loạn lạc, nhưng tổ tiên của tôi dù có đi đâu về đâu, vẫn mang theo bên mình những bảo vật vua ban tặng cho cụ Nguyễn Văn Chước. Cha tôi lúc còn sống đã dày công nghiên cứu, sao chép, phiên âm, dịch nghĩa các sắc phong được vua Tự Đức ban cho cụ Nguyễn Văn Chước, với mong muốn con cháu sau này hiểu hơn về tổ tiên của mình.
 
Nhân cách sáng ngời, cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, nên hiện nơi thờ phụng cụ Nguyễn Văn Chước được người dân, giới nghiên cứu khoa học từ khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu. Tự hào về truyền thống gia đình, con cháu đời sau của cụ Nguyễn Văn Chước, dù làm việc, học tập trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều thể hiện lòng yêu nước, cống hiến cho Tổ quốc như tổ tiên của mình.
 
Kho sử quý giá
 
Ở tỉnh ta hiện nay, những nơi thờ tự như đền Bùi Tá Hán (phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi) còn lưu giữ 23 sắc phong; đình làng Thi Phổ (xã Đức Tân, Mộ Đức) lưu giữ 24 sắc phong. Ngoài ra, nhiều ngôi chùa, nhà thờ họ, các đền miếu còn gìn giữ nhiều sắc phong quý...  
Các bản sắc phong được trụ trì, đồ đệ trong chùa Hoa Sơn coi giữ, trân quý.                        Ảnh: Đăng Sương
Các bản sắc phong được trụ trì, đồ đệ trong chùa Hoa Sơn coi giữ, trân quý. Ảnh: Đăng Sương
Nhà giáo ưu tú, TS.Bùi Phụ Anh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán, cháu đời thứ 14 của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán chia sẻ: 23 sắc phong của cụ Bùi Tán Hán đều được gìn giữ tại đền thờ ông. Bên cạnh đó, gia phả từ đời cụ Bùi Tá Hán đến đời thứ 17 được viết lại rất công phu, nhằm để con cháu biết tường tận nguồn gốc tổ tiên, qua đó khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống.
 
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết: Qua nhiều đợt khảo sát trong vài năm trở lại đây, ở tỉnh ta chỉ còn hơn trăm đạo sắc phong, không ít trong số đó không còn nguyên vẹn. Dù vậy, vẫn còn nhiều bản sắc phong quý được lưu giữ như 7 sắc phong thần và 14 thị tỉ của các chúa Nguyễn cho Trần Cẩm và các ông họ Trần ở đây. Tại nhà thờ họ Trần, có sáu người được phong thần, đây là điều rất hiếm có trong lịch sử các dòng họ ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.
 
Cũng theo ông Vũ, sắc phong là một loại hình văn bản đặc biệt và cũng là những bảo vật thiêng liêng, nên có giá trị lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần ở các làng xã, hoặc có khi cho cả vùng miền, quốc gia, dân tộc. Các loại sắc phong cho các thiên thần, nhiên thần, thủy thần... dù ở triều đại nào cũng luôn luôn xứng đáng được trân trọng, bởi chúng chứa đựng nhiều giá trị thể hiện đúng nguyên lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Gìn giữ sắc phong dân trao
 
Tại chùa Hoa Sơn, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), thầy, trò của chùa đang gìn giữ 18 sắc phong. Theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, đây chủ yếu là những sắc phong của triều Nguyễn ban cho nhân dân địa phương phụng thờ người có công trạng với đất nước. Đặc biệt là các công thần khai mở vùng đất phía Nam của Tổ quốc, như: “Quang Chiếu Vương” (Mai Đình Dõng) - người được Chúa Nguyễn Hoàng giao nhiệm vụ trấn giữ vùng đất Quảng Nam xưa (từ đèo Hải Vân đến Phú Yên) vào cuối thế kỷ XVI; Lương Văn Chánh - người có công khai mở vùng đất Phú Yên vào năm 1611... “Chiến tranh ác liệt, tàn phá các đền, miếu, nên chùa Hoa Sơn được người dân nơi đây tin tưởng, giao phó gìn giữ 18 sắc phong đến tận ngày nay. Vì vậy, thầy trò trong chùa luôn đặt cao trách nhiệm bảo quản tốt giá trị lịch sử, văn hóa của các sắc phong này”, Trụ trì chùa Hoa Sơn, Đại đức Thích Như Tiến cho hay.
 

 

Ngọc Viên - Đăng Sương
 
 

.