Đi tỉnh ký sự

09:12, 08/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã hơn nửa thế kỷ, đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in những lần theo mẹ đi tỉnh, ngày ấy từ nhà tôi lên thành phố (*) Quảng Ngãi khoảng độ gần vài chục cây số, nếu bây giờ đi xe máy chưa đầy nửa giờ đồng hồ, nhưng hồi ấy “tran-sit” qua nhiều phương tiện, có khi gần cả buổi mới đến nơi. Thành phố trong tôi là không gian hoàn toàn mới lạ, vì ở thôn quê lần đầu “đi tỉnh” cái gì cũng to, cũng đẹp, cái gì cũng khác lạ.

TIN LIÊN QUAN

Theo địa chí Quảng Ngãi, năm Gia Long 1807, TP.Quảng Ngãi được chọn làm tỉnh lỵ. Trước đây, TP.Quảng Ngãi vốn là xã Chánh Mông, sau đổi thành Chánh Lộ. Trong quá trình phát triển của dòng chảy lịch sử, thành phố được sáp nhập, đổi tên, thu hẹp, mở rộng quy mô nhiều lần, cho đến tận hôm nay thành phố vẫn còn đang trong quá trình mở rộng.

 

 Cầu Trà Khúc thời thuộc Pháp có tên là cầu Pigeaud, dài 620m.             Ảnh: T.L
Cầu Trà Khúc thời thuộc Pháp có tên là cầu Pigeaud, dài 620m. Ảnh: T.L


Tôi còn nhớ ngày ấy khoảng đầu năm 1959, một hôm mẹ tôi bảo ngày mai mẹ dẫn con đi tỉnh (ngày ấy đi thành phố gọi là đi tỉnh). Sáng hôm đó, mẹ tôi gọi dậy thật sớm để ăn cơm đi cho kịp chuyến xe đầu. Từ nhà tôi đi lên đến bến xe lam (bến xe lúc bấy giờ đặt ngay cổng Trường Tiểu học Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê) ngay phía bắc đầu cầu Khê Kỳ bây giờ.

Lần đầu tiên được đi xe 3 bánh, chiếc xe Lambretta chở gần 20 người, tôi nhớ buồng lái của ông tài có hai hành khách ngồi hai bên, người được ngồi gần bác tài là sướng lắm, phía sau thùng xe là hai dãy ghế, mỗi dãy ghế ngồi năm đến sáu người, bác tài còn kê them một số ghế phụ chính giữa thùng xe. Con đường dẫn về thành phố rải đá dăm gồ ghề, xe men theo sát mép bờ sông Kinh.

Chưa có con sông nào đẹp và thơ mộng như con sông Kinh quê tôi, người ta gọi trên bến dưới thuyền không sai chút nào. Hai bên bờ sông dừa xanh rợp bóng, dưới mé sông ghe thuyền đậu san sát. Thuyền từ sông Tích, Kỳ Tân, An Chuẩn, Phú Thọ xuôi về Sa Kỳ buôn bán trao đổi hàng hóa. Họ chở đường muỗng, lương thực từ miền ngược đến quê tôi, rồi chở cá, mắm về các miền quê khác.

Chiếc xe lam đi chừng độ gần 30 phút thì đến đầu cầu Trà Khúc, còn gọi là Quán Cơm, ở đây có bến xe lam, các xe ngựa, xe thồ cũng phải đỗ tại đây trả khách, lấy khách. Mọi người đến đây ai qua tỉnh phải đi bộ. Xuống dốc Quán Cơm công việc đầu tiên là phải dừng lại ở mép cầu rửa mặt, rửa tay, vì nước sông Trà hai bên bờ sông mùa hè vẫn đầy ắp và trong veo. Tôi thấy người đi bộ không nhiều lắm, cầu phao hẹp, xe GMC, xe Cam nhông, xe vận tải Desoto, xe khách đường dài của các hãng Phi Long, Tiến Lực nối đuôi chầm chậm qua cầu, cây cầu phao rung lên bần bật, nhún nhảy, lắc lư.
 

Các trường lớp ở thị xã hồi ấy, ngoài các trường tiểu học, trường phổ thông trung học (từ lớp 6 đến lớp 12) phát triển tương đối mạnh. Sau 1954, có Trường Trung học Hùng Vương (đặt tại vị trí nhà trẻ Hoa Mai đường Phan Đình Phùng bây giờ), Trường Trung học Chấn Hưng (đặt tại BQL Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), Trường Trần Quốc Tuấn, đây là trường công lập có bề dày về lịch sử của ngành giáo dục Quảng Ngãi; Trường Tư thục Quảng Ngãi Nghĩa Thục. Ngoài ra, còn có Trường Nữ Trung học.

Tôi ngẩn ngơ nhìn hai bên bờ sông Trà, những bánh xe quay tròn, mẹ tôi chỉ đó là bờ xe nước. Tôi nhìn thấy mỗi bờ xe hai hàng bánh tròn, sau này mới biết đó là bờ xe đôi, mỗi bờ xe trên dưới mười bánh xe, ngày đêm đưa nước dưới sông tưới mát cho những cánh đồng. Từ bờ nam sông Trà nhìn xuống bến Tam Thương, vùng Nghĩa Dũng, Hổ Tiếu hàng hàng bờ xe nước.

Từ bờ nam cầu phao Trà Khúc dẫn vào thị xã hai bên đường là những ruộng bắp xanh rì, thỉnh thoảng có vài lò gạch, nhà ở thưa thớt vắng vẻ. Con đường vào hơi dốc, chạy ngoằn ngoèo dẫn vào thị xã nhỏ bé giáp đường Quang Trung bây giờ rải rác có mấy cây vông đồng, một vài cây chò cao vút, thân cây thẳng đứng, tán xòe xõa bóng xuống những vạt ruộng bỏ hoang hai bên đường.

Bấy giờ thị xã còn bé và buồn lắm, cư dân các vùng khác đến đây làm ăn chưa nhiều, có vài con đường chính, chưa có nhà cao tầng, đường có dân buôn bán lẻ tẻ là đường Quang Trung, Phan Bội Châu (nay là Hùng Vương), các cửa hàng, cửa hiệu ở các đường xung quanh khu vực chợ tỉnh. Trụ sở các cơ quan hành chính, công quyền cũng chưa nhiều. Trước năm 1960, ngoài tòa hành chính tỉnh đặt tại UBND tỉnh bây giờ, có tiểu khu, một vài ty chuyên ngành phụ trách phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, cơ quan ngân hàng.

Trước năm 1960, từ Sở Văn hóa Thể thao đến Trường Chính trị tỉnh bây giờ, hồi ấy còn hoang vu chưa có nhà, chỉ ruộng và cỏ, đến mùa mưa nước các nơi đổ về, là chỗ cho cá và ễnh ương sinh sống. Sân vận động Diên Hồng (nay là nhà thi đấu và bể bơi Diên Hồng) là nơi để tổ chức hội chợ, triển lãm, diễn ra các cuộc vui chơi, ca nhạc ngoài trời, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết.

Những năm này hệ thống bến xe còn sơ khai, ngoài hai bến xe lam ngã tư đường Nguyễn Tự Tân và Quang Trung (bây giờ làm kho xăng), bến xe lam nhỏ ở Băng ga lô (Cống Kiểu), bến xe ngựa nằm phía nam dưới bến xe liên tỉnh (nay gần siêu thị văn hóa), bến xe liên tỉnh nằm ngay trên vị trí một phần chợ Quảng Ngãi bây giờ. Một số con đường ngoại ô nhỏ bé, lầy lội. Ngày ấy, có một rạp chiếu bóng Mỹ Vân (sau năm 1975 đổi tên là rạp 1/5- nay là siêu thị văn hóa) còn có một rạp hát dùng để biểu diễn ca nhạc, hát cải lương, tổ chức các đại nhạc hội... lấy tên là rạp Kiến Thành, sau năm 1975 đổi tên là rạp Hòa Bình. Đường Phan Đình Phùng có bưu điện, nhà máy nước phục vụ cho nhân dân thị xã, hiện đài nước vẫn còn lưu lại đến bây giờ...

Mỗi lần đi tỉnh mua sắm, khám bệnh, thăm bạn bè, mẹ tôi và mọi người thường ăn trưa tại chợ  Quảng Ngãi. Hồi ấy, không có các hàng quán đông đúc như bây giờ, thường ở thôn quê lên tỉnh, gặp nơi nào thuận tiện thì ghé vào. Chợ Quảng Ngãi không to lắm, nhưng vào bên trong được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, hàng nào ra hàng ấy, các dãy nhà cột dựng bằng gỗ, mái lợp ngói. Ở đây còn bày bán rất nhiều những đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi như kẹo gương, đường phổi, đường phèn, mạnh nha, các loại bánh thuẫn, bánh nổ...

Hơn nửa thế kỷ đi qua, Cẩm Thành từ một thị xã nhỏ bé ngày nào, không gian bây giờ đã mở rộng, dân số gấp nhiều lần so với thời ấy. Quá trình phát triển đi lên của lịch sử có biết bao đổi thay, từ góc phố, con đường và trong mỗi gia đình, chúng ta đã đi một bước khá dài trên con đường dẫn tới một thành phố hôm nay.


LÊ ÁNH VÂN

 

-------------
(*) Trước đây là thị xã.



 


.