Ruộng thiết đạc, nét văn hóa nông nghiệp làng Ba La xưa

10:10, 26/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tự bao đời vùng đất phía đông TP. Quảng Ngãi có câu ca dao “Ba La chạy thẳng Cù Mông/ Chạy quanh chạy quất cũng đồng Ba La”. Cù Mông trong câu ca dao có thể là thành Cù Mông (Cẩm Thành), có thể là làng Chánh Mông (Chánh Lộ) lúc chưa phân chia thành nhiều phường như ngày nay.

Điều này khẳng định khu vực phía đông và nam làng Ba La (xã Nghĩa Dõng) ruộng đất bạt ngàn. Lúc ấy, dân cư của làng tập trung đông đúc ở phía bắc dọc sông Trà, còn phía nam người ở thưa thớt.

Đời sống xưa dựa hẳn vào cây lúa, văn minh lúa nước của cư dân đồng bằng vùng Ba La rất phát triển. Ruộng giữ vai trò hàng đầu trong canh tác nông nghiệp, nhất là ruộng cấy được hai vụ. Nguồn thủy lợi khởi đầu từ sông Giăng (Nghĩa Hành) chảy qua Điền Trang, La Châu (Nghĩa Trung, Tư Nghĩa) rồi mới đổ về tưới cho đồng ruộng Ba La.

Cánh đồng Ba La, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) hôm nay.             ẢNH: BÙI THANH TRUNG
Cánh đồng Ba La, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) hôm nay. ẢNH: BÙI THANH TRUNG


Khi đầu nguồn thừa nước thì cuối nguồn mới có nước sử dụng cho ruộng đồng. Gặp năm hạn hán, việc canh tác lúa ở vùng phía cuối dòng thật cam go, nông dân phải đào ao, khơi giếng tìm nước tưới cho cây lúa. Vì thế mà ruộng canh tác hai vụ không nhiều như ngày nay.

Ruộng một vụ chiếm cả một diện tích lớn, ăn nhờ nước trời hoặc phải bỏ hoang hóa, cỏ dại tha hồ mọc. Đất thổ chỉ để trồng lang khi mùa mưa đến, bắp chỉ trồng được vào mùa nắng ở một số nơi có thế nước, cây mì chịu hạn còi cọc cả năm mới cho củ. Kể từ khi người làng Ba La hợp tác với dân Điện An (Nghĩa Thương, Tư Nghĩa) khai kênh dẫn nước từ Hòn Bà (Nghĩa Hành - Minh Long) về và đắp đập Ba Điện giữ nước (bờ đập nước và dinh thờ tiền hiền nay vẫn còn) thì diện tích lúa nước tăng lên, đời sống có bước đổi thay đáng kể.

Suốt quá trình khắc phục thiên nhiên của các thế hệ tổ tiên xưa cũng là giai đoạn tổ chức làng xã phát triển. Lúc dân cư thưa thớt, ngoài ruộng đất tư điền do dân khai khẩn rồi kê khai lập bộ là ruộng đất bỏ hoang được làng xã sung công gọi là công điền, chủ yếu là ruộng. Việc đo đạc ruộng, lập thửa, quy xứ đồng được hình thành từ đó. Thời ấy, ngoài đơn vị diện tích sào, mẫu còn có đơn vị đạc. Đạc có sách gọi là sào, có sách ghi là đơn vị đo chiều dài ước chừng 60m. Đối với làng Ba La, một đạc ruộng khoảng 4 đến 6 sào Trung Bộ. Với cách xác định như trên, người ta chia đạc theo từng xứ đồng. Ví dụ: Ruộng đạc nhất của xứ đồng Khối Si...

Đồng ruộng Ba La có đến mấy chục xứ đồng, làm cơ sở để làng xã cứ ba năm một lần tổ chức cấp hay cho nông dân đấu giá thuê ruộng công điền. Nông dân thuê ruộng phải nộp thóc hoặc quy thành tiền cho ngân sách công. Người có khả năng vốn, sức lao động, sức kéo trâu bò thì đấu được nhiều ruộng, người nghèo thiếu tài chính, yếu lực thì chỉ đấu được một số ít ruộng, đời sống kham khổ.

Trong việc đo đạc, quy định xứ đồng của làng Ba La người ta chọn vị trí đầu làng nơi có ruộng phì nhiêu liền dải, gần dân cư đó là Bàu Lác để lập thiết đạc tiếp theo là đạc nhì, ba... Cứ thế, người ta đo và xác định hết diện tích ruộng công của làng. Riêng thiết đạc khác với các xứ đồng khác, người ta chọn trong đó một mảnh đất hình chữ nhật hơi vuông nằm sát đất thổ, nhưng thấp hơn mặt đất thổ và cao hơn mặt ruộng làm vị trí chính của thiết đạc (mốc khởi đầu đo đạc). Đó là nơi hằng năm vào dịp tháng tám, làng long trọng tổ chức lễ cúng trời đất, thành hoàng làng, thần nông, tiền hiền, hậu hiền cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân cư no ấm.

Cúng thiết đạc là cách tri ân tiền nhân, mang dấu ấn văn minh lúa nước, sự khai mở ruộng đồng, gửi tâm linh vào thần đất, thần nước, mẹ lúa. Thời xưa ấy, ruộng sâu dễ ngập úng khi mưa nhiều thừa nước, còn thổ cao thì khô cháy khi nắng hạn. Mảnh đất hình chữ nhật ấy làm mạch nối thổ cao với ruộng sâu, điểm giao hòa hai cực âm dương làm nên sinh khí ruộng đồng.

Tuy là chỗ con người chọn, mang tính phong thủy, nhưng giá trị tinh thần của nó rất lớn. Dân làng tôn trọng và thiêng liêng hóa đến nỗi không dám thả trâu bò, phóng uế, cuốc phá mảnh đất nhỏ ấy. Quan niệm dân gian cho rằng ruộng thiết đạc linh, người vững tâm mới dám nhận canh tác và hằng năm riêng mình phải cúng lễ.

Ngày nay, khoa học phát triển, canh tác ruộng đồng được cơ giới hóa hầu hết, thủy nông thành mạng kênh mương tiện ích. Diện tích ruộng của làng Ba La không còn như xưa nữa. Thiết đạc cũng mờ dần theo năm tháng, còn chăng trong trí nhớ người già và ký ức quê hương. Nhưng thiết đạc mãi là giá trị tinh thần, chứa đựng nỗi niềm cuộc sống, điều mà các thế hệ sau nên biết đến để hiểu về cội nguồn xưa.

BÙI VĂN TẠO

 


CÁC TIN KHÁC
.