Trải nghiệm qua "Góc địa phương"

02:10, 11/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Sở GD&ĐT đã triển khai cho tất cả các huyện, thành phố chú trọng đầu tư xây dựng môi trường học tập cho trẻ phong phú, thân thiện. Trong đó, giúp trẻ hiểu hơn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương mình qua “Góc địa phương”.

TIN LIÊN QUAN

Trong một giờ học tại Trường Mầm non Hướng Dương, xã Sơn Bao (Sơn Hà), cô giáo Huỳnh Thị Tuyết, chủ nhiệm lớp lá A đã cho trẻ trải nghiệm về các vật dụng mà đồng bào dân tộc Hrê sử dụng hằng ngày. Trẻ phấn khởi khi đọc tên các vật dụng như  giỏ, rổ, nia, gùi... Trẻ được khám phá một số nghề của địa phương thông qua các vật dụng. Qua đó, cô giáo cũng tích hợp tăng cường tiếng Việt qua việc đọc để trẻ nhận biết tên các đồ dùng.

 

 Học sinh Trường Mầm non Hướng Dương (Sơn Hà) thích thú khi được tham gia hoạt động tại
Học sinh Trường Mầm non Hướng Dương (Sơn Hà) thích thú khi được tham gia hoạt động tại "Góc địa phương".


Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương Nguyễn Thị Hường cho biết, để đảm bảo chất lượng giảng dạy, trường đã vận động phụ huynh tự làm các đồ dùng để bổ sung cho "Góc địa phương" của từng lớp. Các đồ dùng được làm từ nguyên liệu có sẵn trong rừng nên an toàn cho trẻ khi sử dụng. Giáo viên giúp các cháu nhận biết và hiểu được giá trị của các vật dụng.

Ngoài ra, “Góc địa phương” cũng có nhiều vật dụng truyền thống được sử dụng trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Hrê như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, giúp trẻ thêm hiểu biết về bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương mình.

Ở các trường ven biển, "Góc địa phương" gồm các vật dụng phục vụ nghề đánh bắt hải sản, làm muối... Còn ở khu vực đồng bằng, trẻ cũng được trải nghiệm thông qua mô phỏng các làng nghề truyền thống như bánh nổ, đường phèn, đường phổi, nghề làm lúa nước.

Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (Tư Nghĩa) Nguyễn Thị Việt Ghi cho biết, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", nhà trường đã xây dựng "Góc địa phương" theo từng chủ đề như: Ngày khai trường, tết Trung thu, tết cổ truyền... Đối với mỗi chủ đề, nhà trường chọn các sản phẩm phù hợp, để giới thiệu cho trẻ.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, các góc hoạt động trong lớp và ngoài trời ở các trường mầm non trong tỉnh ngày càng phong phú. Các trường lựa chọn, chuẩn bị học liệu cho trẻ sử dụng theo nhiều cách khác nhau; tạo nhiều cơ hội cho trẻ lựa chọn học liệu và hoạt động vui chơi, thực hành trải nghiệm. Trẻ được thể hiện ý tưởng mà không bị gò bó bằng việc “chơi mà học, học bằng chơi”.

Đặc biệt, "Góc địa phương" đã giúp trẻ cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi với trường học như thể ở nhà. Bởi ở đó, trẻ được học và chơi với các vật dụng như trong gia đình vẫn sử dụng. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Thị Thành nhận định: “Góc địa phương” đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, các giờ học trở nên sinh động và thích thú đối với trẻ, qua đó tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.


Bài, ảnh: Duy Hùng


 


.