Gia tăng học sinh bỏ học ở Trà Bồng

06:05, 31/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù là trường có chất lượng dạy và học cao so với một số trường ở các huyện miền núi trong tỉnh, nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học ở Trường THPT Trà Bồng lại gia tăng.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng Đỗ Ngọc Đức cho biết, hằng năm trường có khoảng 50 em học sinh bỏ học. Nguyên nhân do một số em không theo kịp chương trình học, vì chất lượng đầu vào lớp 10 thấp. Nhiều năm, số hồ sơ nộp vào trường chỉ đủ chỉ tiêu xét tuyển, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Do đó, một số em mới vào học được vài tuần là đã bỏ học. Năm học 2017-2018, trường xét tuyển 350 chỉ tiêu vào lớp 10, nhưng đến tháng 10.2017 đã có trên 30 em bỏ học.

Học sinh Trường THPT Trà Bồng trong giờ học.
Học sinh Trường THPT Trà Bồng trong giờ học.


Ngành giáo dục và địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động các em ra lớp, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, song nhiều em vẫn không theo kịp. Một số gia đình buông lỏng quản lý, giáo dục con em, nhất là đối với học sinh cá biệt, ham chơi, sức học yếu. "Toàn trường có khoảng 40% học sinh dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, bên cạnh một số phụ huynh chăm lo đến việc học tập của con em, thì vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa thật sự quan tâm, thiếu sự phối hợp với nhà trường trong việc vận động học sinh ra lớp khi các em có biểu hiện bỏ học. Một số em có hoàn cảnh khó khăn, muốn nghỉ học đi lao động phụ giúp gia đình...”, thầy Đức cho hay.

Trước thực trạng học sinh bỏ học trong những năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng trên, như phân công giáo viên bộ môn phụ đạo cho học sinh học lực yếu kém; bám địa bàn, phối hợp với chính quyền, đoàn thể, phụ huynh để quản lý, giáo dục học sinh; huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh nghèo vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường; tuyên truyền vận động học sinh bỏ học trở lại lớp...

Bên cạnh đó, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm (GVCN) rà soát các trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại và có biện pháp tác động phù hợp. Đối với học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì huy động nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời cho các em; chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm thu hút học sinh... Qua các hoạt động đó đã giúp các em hòa đồng, tạo sự đoàn kết, gắn bó và là động lực để các em tiếp tục đến trường. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng học sinh bỏ học vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Cô Hồ Thị Bình (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A5) mới về  công tác tại trường được 4 năm, nhưng năm học nào lớp của cô vẫn luôn đảm bảo sĩ số, không có tình trạng học sinh bỏ học. Bởi lẽ, cô Bình là người địa phương nên có nhiều thuận lợi trong việc giao tiếp, nắm bắt tâm lý của phụ huynh, học sinh. Vì vậy, khi học sinh có biểu hiện bỏ học, cô Bình liền đến tận nhà để tìm hiểu và động viên để phụ huynh hỗ trợ trong việc vận động con em ra lớp.

Trong giờ sinh hoạt lớp hay các tiết dạy, cô Bình luôn khơi gợi cho học sinh niềm đam mê học tập thông qua việc nêu lên những tấm gương nghèo vượt khó, hay những anh chị là con em người đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó học tập và giữ những vị trí quan trọng ở địa phương... Qua đó đã tạo động lực để các em tiếp tục học tập, thực hiện những hoài bão.

Tuy nhiên, không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng làm được như cô Bình. Nhiều thầy cô cũng tìm đến gia đình học sinh nhiều lần mới có thể gặp được phụ huynh, nhưng lại không nhận được sự phối hợp. Một số phụ huynh cho rằng, việc đi học là quyền quyết định của con. Vì vậy, việc vận động học sinh bỏ học trở lại lớp của nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.