Chọn trường học, ngành học

10:03, 28/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những lần tư vấn mùa thi, nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh đã khuyên các học sinh nên chọn ngành nghề nào mà mình đam mê, dù là cao đẳng hay đại học. Điều đó là đúng, vì phải theo học những ngành hay những trường mà mình không thích, thì sớm hay muộn mình cũng rất dễ từ bỏ nó. Nhưng muốn chọn trường hay ngành học theo đam mê, thì trước hết, mình phải có... đam mê.

Làm sao để có đam mê? Có những học sinh, ngay từ nhỏ đã bộc lộ những năng khiếu, những đam mê cho những công việc gì đó. Những học sinh ấy sẽ rất dễ chọn ngành hay chọn trường, vì họ đã có sẵn những mục tiêu cho cuộc đời mình.

TIN LIÊN QUAN


Nhưng với nhiều học sinh chưa bộc lộ được năng khiếu, hay chưa có những đam mê gì cụ thể, thì việc lựa chọn sẽ khó khăn hơn, khi những cánh cửa các nhà trường, từ cao đẳng tới đại học, đang mở “rộng hết cỡ” để chào đón, thậm chí, chèo kéo thí sinh vào học. Đứng trước những “cánh cửa mở rộng”, nhưng bản thân còn thiếu định hướng, nhiều học sinh sẽ chọn nhầm, hay chọn mà chưa tính kỹ trường hay ngành học nào phù hợp với mình. Đó thật sự là điều không ổn về lâu về dài.

Bây giờ, học sinh trước khi thi tốt nghiệp THPT đã được tư vấn rất kỹ về ngành nghề, về các trường mình có thể chọn học. Điều đó, về một mặt là rất thuận lợi, có rất nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Nhưng về mặt khác, có quá nhiều sự lựa chọn lại có thể làm học sinh bối rối, không biết chọn ngành học hay trường học nào là phù hợp nhất với mình.

Đam mê có thể tự nhiên mà có, nhưng nếu không duy trì, không phát triển nó ngay trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường, thì sẽ gặp lúng túng khi phải trực tiếp lựa chọn ngành hay trường học “theo đam mê”. Giữa rất nhiều lựa chọn, thí sinh phải có “ưu tiên 1” cho lựa chọn của mình. Cái ưu tiên để chọn đầu tiên ấy phải hoàn toàn phù hợp với mơ ước của mình, ham thích của mình. Nếu kết quả thi mình không đạt được “mục tiêu đầu tiên” ấy, thì mới tính tới “mục tiêu 2”, hay “mục tiêu 3”.

Tôi biết, có thí sinh vì thật sự đam mê với ngành học và trường học mình chọn, đã sẵn sàng học lại, thi lại không chỉ một năm, mà có thể tới hai hay ba năm, cho đến khi đỗ vào trường và ngành học mình yêu thích, mới thôi. Đó là những thí sinh thật sự có khả năng và có thực học. Với những thí sinh học lực chỉ ở mức trung bình hay trung bình khá, thì không nên “học lại, thi lại” theo kiểu đó, nhất là với những thí sinh gia đình nghèo, hay chỉ vừa đủ ăn.

Từ đó, sẽ dẫn tới “quyết định một lần” cho việc chọn trường hay chọn ngành học. Dù cửa chọn lựa rất rộng, nhưng khả năng để mình theo học đúng trường mình yêu thích thì lại hẹp. Trong hoàn cảnh ấy, rất cần có tư duy, có quyết định thực tế, theo như ông bà mình nói, là “liệu cơm gắp mắm”. Vì tôi cũng biết, có những thí sinh học lực khá khiêm tốn, nhưng lại chọn những trường "quá tầm với” của mình, kết quả ra sao thì ai cũng rõ.

Tự biết khả năng, học lực thật của mình, đồng thời biết từ thực tế ấy mà chọn trường hay ngành học phù hợp với mình, đó là tư duy sáng nhất. Nó sẽ định hướng đúng đắn cho những bước tiếp sau của cuộc đời mình. Rất khát khao, nhưng không ảo tưởng. Còn nếu chỉ vì những “đam mê” hời hợt nhất thời, mà quyết chọn vào những trường hay ngành học quá sức mình, thì sẽ rất khó cho sự phát triển của chính mình.

Vì thế, tư vấn cho học sinh hãy chọn trường và ngành học theo "đam mê” thì e rằng cái “phổ đam mê” này quá rộng, học sinh rất dễ bị rơi vào cái bẫy của sự thiếu thực tế. Chưa kể, còn những áp lực từ phụ huynh chỉ muốn cho con em mình vào học trường này, ngành nọ cho thật “hoành tráng”. Điều đó, sẽ rất tai hại cho học sinh.


Bình tĩnh để lựa chọn, tỉnh táo để lựa chọn, và dũng cảm để lựa chọn trường nào hay ngành nào mình yêu thích nhất, trong khi vẫn có những lựa chọn “dự bị” hợp lý nhất, thí sinh sẽ thành công khi bước vào môi trường học tập mới.


          THANH THẢO
 


.