Độc đáo những mô hình từ phế liệu

04:10, 12/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dùng phế liệu làm thành những mô hình vui chơi, giải trí, học tập... là cách làm độc đáo mà nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi thực hiện, để hưởng ứng ngày hội môi trường tỉnh Quảng Ngãi. Vấn đề ở đây là, từ những sáng tạo ban đầu ấy, phải làm sao để nhân rộng, đưa các mô hình thân thiện với môi trường này vào thực tiễn?

Từ những chiếc lốp ô tô, xe máy, xe đạp cũ và vỏ lon bia, thầy và trò Trường Tiểu học Trần Phú đã sơn, trang trí thành bàn ghế chắc chắn, bắt mắt đặt ở sân trường, để học sinh có thể ngồi học bài, ngắm cảnh... Vỏ hộp sữa tưởng chừng là đồ bỏ đi, cũng được thầy và trò trường này cắt, dán, trang trí thành những bức tranh, hoặc làm thành những chiếc giỏ vô cùng hữu ích để trồng hoa.

 Mô hình
Mô hình "Thành phố ước mơ" của Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm được làm từ vỏ hộp sữa, nước ngọt, nilon, sợi len...


Cũng từ những sợi len cũ, ống hút, dây nilon, thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm đã  tỉ mỉ cắt dán và lắp ghép nên mô hình “Thành phố ước mơ”, với những tiểu cảnh rất đặc sắc, ấn tượng. Đó là đoàn tàu cao tốc làm từ hộp sữa; đường ray làm từ dây nhựa trong; bờ xe nước sông Trà làm từ ốc hút, que kem... Nhìn những tiểu cảnh đặc sắc ấy, ít ai có thể ngờ, tất cả nguyên liệu tạo nên đều từ những thứ bỏ đi.

Không chỉ sáng tạo nên những mô hình từ phế liệu phục vụ cho hoạt động vui chơi, giải trí của học sinh, nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố còn tận dụng rác thải để làm nên những mô hình phục vụ cho việc học tập, giảng dạy.

Từ vỏ chai nhựa, nắp chai, hũ đựng nước yến... Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo đã sáng tạo, lắp ráp thành mô hình “đèn chùm” để giáo viên sử dụng trong bài giảng liên quan đến ánh sáng trong các tiết khoa học và mỹ thuật.

Cũng từ những vật liệu đơn giản, đã bỏ đi như thùng xốp cũ, ống hút, dây thừng... qua đôi bàn tay khéo léo của thầy và trò Trường Tiểu học Nghĩa Chánh, trở thành mô hình “Thư viện xanh lưu động” gọn nhẹ, tiện dụng.

Khác với thư viện truyền thống với những bộ bàn ghế, giá sách từ vật liệu gỗ nặng nề, khó di chuyển, giá sách làm từ thùng xốp cũ rất gọn nhẹ, nên có thể dễ dàng di chuyển, đặt ở sân trường. Xung quanh giá sách là bộ ghế được “hô biến” từ lốp xe cũ, còn bàn thì làm từ thùng sơn đã qua sử dụng, cùng những đồ dùng trang trí như lọ đựng bút, hoặc chậu hoa đều được làm từ vỏ chai. Chính hình thức tổ chức thư viện mới lạ này đã giúp thay đổi không gian đọc sách, vui chơi, thư giãn cho học sinh.

Thích thú với mô hình “Thư viện xanh lưu động”, em Nguyễn Vũ An, học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Chánh hào hứng chia sẻ: “Em không ngờ, những chiếc lốp xe đen sì, sau khi sơn màu và lắp ráp, lại trở thành những bộ bàn ghế đọc sách đẹp đến vậy. Giá sách làm từ thùng xốp, nhưng đẹp không thua giá sách ở nhà em và đựng được rất nhiều sách”. Cũng theo em An: Chính nhờ tận mắt thấy giá sách, bàn ghế làm từ phế liệu mà em đã thay đổi suy nghĩ về rác thải. Hóa ra, tất cả mọi thứ như chai nhựa, hộp sữa... đều có thể sử dụng tiếp để làm ra những thứ bổ ích.

Theo ông Nguyễn Quốc Tân - Phó Giám đốc Sở TN&MT, vào tháng 9 vừa qua, Sở TN&MT đã phát động phong trào làm mô hình, sản phẩm từ vật liệu tái chế tại các trường tiểu học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. Thông qua hoạt động này, ngành TN&MT muốn  nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường, giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Bởi học sinh chính là thế hệ tương lai, quyết định đến sự phát triển bền vững của môi trường.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.