Đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động: Chưa được quan tâm

09:11, 26/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư hoạt động tại các KCN, KKT của tỉnh ngày càng nhiều, giải quyết hàng chục nghìn việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, việc nâng cao đời sống vật chất, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) vẫn chưa thật sự được coi trọng.

Tỉnh ta hiện có 4 KCN và KKT Dung Quất, thu hút gần 200 dự án đầu tư đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động. Trong đó gần 80% lao động là người địa phương. Trong số này chỉ có số ít CNLĐ được DN xây dựng nhà ở tập thể, số còn lại phải ở trọ nhà của dân...

Cái gì cũng thiếu

Sau giờ tan tầm, từng tốp CNLĐ rời KCN Tịnh Phong trở về khu trọ với dáng vẻ mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Vừa về đến nhà, chị Đào Thị Vy, ở huyện Tuy Phước (Bình Định), công nhân Công ty Foster vội nấu cơm, những người ở cùng phòng chia nhau đi tắm giặt. Tại đây, căn phòng rộng chừng 10m2 phải ngăn làm hai, một bên là nơi nấu ăn, tắm giặt, bên còn lại đặt chiếc giường ngủ. Phòng nhỏ hẹp, xoong nồi, bát đĩa được xếp một góc, quần áo treo trên tường; không bàn ghế.

Vy phân trần: Tụi em sáng đi làm, tối mới về, lo tắm giặt, ăn cái gì đó cho qua bữa rồi đi ngủ để lấy sức ngày mai đi làm nên chẳng cần bàn, ghế hay tivi làm gì. Vả lại, ở đây cũng không có khu vui chơi gì cả. Buổi tối cũng muốn đi dạo, nhưng ra đường thì sợ tai nạn giao thông, bụi bặm... "Chúng em chỉ biết công ty và nhà trọ, chủ nhật được nghỉ, ai ở gần thì tranh thủ về thăm gia đình, ai ở xa thì ngủ... bù”, chị Vy cho biết thêm.

 Công nhân tranh thủ mua đồ ăn sau giờ tan ca.
Công nhân tranh thủ mua đồ ăn sau giờ tan ca.


Còn bà Nguyễn Thị Mười, ở Phổ Ninh ra giữ con cho anh Tô Văn Thịnh, công nhân Công ty Doosan Vina, thở dài nói: Căn phòng bé xíu này vốn dĩ gia đình thằng Thịnh ở đã khá chật chội, nay thêm tôi nữa thì quá tải. Căn phòng rộng khoảng 10m2, được kê 1 cái giường, 1 cái võng coi như hết chỗ. Vì hoàn cảnh, chúng phải thuê nhà trọ như vậy. Các con cũng muốn mua đất làm nhà riêng, nhưng làm công nhân biết bao giờ mới đủ tiền mua đất, làm nhà.

Mới chỉ là chỗ ở

Để tạo điều kiện cho CNLĐ có chỗ ở làm việc, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh lập đề án xây dựng nhà ở cho CNLĐ ở  KCN Tịnh Phong. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện ở KCN Quảng Phú và Tịnh Phong có 58 dự án đầu tư đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động, nhưng chưa có DN nào xây dựng nhà ở cho CNLĐ.

Hai KCN này cũng chưa có nhà trẻ, nhà mẫu giáo để CNLĐ gửi con, cũng như chưa có khu tập thể cho công nhân thuê. Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty Foster cho biết: Do xa nhà, để tiện cho việc đi làm, chị cùng 2 người bạn trong công ty thuê nhà trọ ở với giá 500 nghìn đồng/phòng/tháng. Nói là nhà trọ nhưng chỉ là căn phòng rộng 10m2. Vì thế, mọi sinh hoạt, gặp gỡ bạn bè rất bất tiện.

Chị Trần Thị Duyên, quê Mộ Đức, công nhân Công ty Rieker thì bày tỏ nỗi niềm: Tôi làm ở công ty này được 2 năm rồi và cũng chừng ấy năm vợ chồng phải thuê nhà trọ, mặc dù chồng làm tận KKT Dung Quất. “Trước đây có nghe nói Nhà nước sẽ xây dựng khu vui chơi, nhà văn hóa, nhà trẻ... cho CNLĐ, nhưng chờ mãi chẳng thấy.

Mới đây, chuyện này tiếp tục được nhắc lại nhưng chúng tôi không quan tâm lắm, vì ở trong điều kiện này riết thành quen rồi”, chị Duyên tâm sự. Đây cũng là tâm trạng chung của hàng chục nghìn CNLĐ đang làm việc tại các KCN, KKT Dung Quất. Phần lớn trong số họ đều có thu nhập thấp, nên chỉ tích góp lo cho gia đình, phụ giúp cho bố mẹ lo chuyện học hành cho các em nên ít có cơ hội, điều kiện để vui chơi, thể thao, nghỉ ngơi, học tập và giao lưu tình cảm.

Trong khi đó, Trung tâm thể dục, thể thao Dung Quất được xây dựng khá hoành tráng, nhưng lại xa các nhà máy, xí nghiệp nên công nhân ít đến. Còn ở KCN Tịnh Phong, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và kinh doanh Dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) từng có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, với quy mô 13,1ha, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Thấy được điều đó, một số công ty đã quan tâm đến đời sống, hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền đi lại và tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ cho CNLĐ như Công ty Thuyên Nguyên, Rieker, Vinatex, Đông Thành, Foster... Còn ở nhiều DN khác, CNLĐ chỉ đến công ty làm việc và trở về khu trọ như một guồng máy.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn các KCN tỉnh cho biết: Nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân là rất lớn. Nếu có các khu vui chơi, giải trí được đầu tư xây dựng ở những vị trí như trung tâm KCN, gần nhà máy, xí nghiệp với diện tích chỉ cần 1,5ha mỗi KCN là phù hợp nhất. Ở đó cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần, xây dựng nhà trẻ... thì sau giờ tan ca CNLĐ sẽ tranh thủ đến chơi thể dục, thể thao hoặc gặp gỡ, giao lưu...

Cần bắt tay vào làm ngay

 

Đó là chia sẻ của ông Lê Tấn Tứ - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khi nói về điều kiện ăn ở, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của CNLĐ đang làm việc ở các KCN, KKT Dung Quất.

Ông Tứ cho biết, qua khảo sát nhận thấy, nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của CNLĐ tại các KCN, KKT Dung Quất là rất lớn. Thế nhưng, từ trước đến nay, các cấp chính quyền, Ban Quản lý các KCN và KKT Dung Quất chưa quan tâm hỗ trợ việc bố trí quỹ đất và bố trí vốn để xây dựng các thiết chế văn hóa, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ. Một số DN bố trí một diện tích rất nhỏ để làm sân bóng chuyền để CNLĐ chơi thể thao, nhưng số này cũng không nhiều. Ở KKT Dung Quất có Trung tâm Văn hóa Vạn Tường, nhưng lại quá xa DN nên CNLĐ ít đến.

-PV: Từ thực trạng trên, LĐLĐ tỉnh đã và đang có những dự định gì trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân?

Ông LÊ TẤN TỨ: Để việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, LĐLĐ tỉnh xây dựng dự án và tỉnh đã bố trí 2ha để xây dựng sân bóng đá mini, sân cầu lông, nơi tập trung để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ... cho công nhân ở KCN Tịnh Phong, VSIP. Và sắp tới, LĐLĐ tỉnh xin tỉnh bố trí thêm 2ha liền kề để xây nhà ở xã hội cho CNLĐ; xây dựng nhà trẻ, siêu thị mini... phục vụ công nhân các KCN và KKT Dung Quất.

-PV: Giải pháp thực hiện dự án trên như thế nào, thưa ông?

Ông LÊ TẤN TỨ: Khi chưa có Chỉ thị 52 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ tại KCN, khu chế xuất”, LĐLĐ tỉnh đã tính đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân. Do đó, việc LĐLĐ tỉnh chọn Tịnh Phong để triển khai dự án, vì Tịnh Phong là trung tâm của các KCN và đây sẽ là nơi công nhân vừa ở, vừa sinh hoạt.

Việc triển khai đề án sẽ được thực hiện theo hướng xã hội hóa. Trong đó, Nhà nước, công đoàn vận động các DN có đông CNLĐ tham gia; vận động CNLĐ có những đóng góp nhất định tham gia dịch vụ này. Số còn lại Nhà nước hỗ trợ theo Quyết định 1780 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng khu vui chơi văn hóa cho CNLĐ. Mặt khác, việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 52 sẽ có sự tham gia đồng bộ hơn. Đó là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đầu tư của chính quyền, công đoàn các cấp và các DN cùng hợp lực đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho CNLĐ tại các KCN, KKT Dung Quất.

 

Bài, ảnh: BÁ SƠN

 


.