Trung tâm ngoại ngữ:"Mọc lên" ngày càng nhiều

04:01, 11/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở tỉnh ta hiện nay, các trung tâm ngoại ngữ "mọc lên" ngày càng nhiều . Không chỉ ở thành phố, mà ngay cả ở các huyện cũng có các trung tâm ngoại ngữ. Chất lượng giảng dạy ở các trung tâm này như thế nào, đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Minh Trí - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các trường đại học, cao đẳng quản lý chất lượng của các trung tâm trực thuộc. Những trung tâm ngoại ngữ còn lại trên địa bàn tỉnh do Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý. Hằng năm, Sở GD&ĐT có đoàn thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khi có thông tin phản ánh, nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại ở các trung tâm ngoại ngữ.

Nhiều bậc phụ huynh cho con theo học tại các trung tâm có giáo viên bản ngữ để nâng cao khả năng giao tiếp.
Nhiều bậc phụ huynh cho con theo học tại các trung tâm có giáo viên bản ngữ để nâng cao khả năng giao tiếp.


Hiện tỉnh ta có hai loại trung tâm, đó là trung tâm có giáo viên bản ngữ và trung tâm 100% giáo viên là người Việt Nam. Đối với trung tâm có giáo viên bản ngữ thì Sở LĐ-TB&XH là đơn vị cấp giấy phép làm việc cho người nước ngoài. Còn Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm kiểm tra các văn bằng, chứng chỉ do các trường đại học nước ngoài cấp, nhằm tránh tình trạng các trung tâm mời “Tây ba lô” về giảng dạy. Trên thực tế, phần đông giáo viên của các trung tâm đều chuyên nghiệp và đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra khung chương trình chứ không bắt buộc về giáo trình. Các trung tâm có giáo viên bản ngữ chủ yếu giảng dạy theo chương trình quốc tế, nhưng có sự biên soạn lại cho phù hợp với người Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người học. Anh Võ Tiến Dũng- Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển giáo dục Bảo Linh (Trung tâm AMA Quảng Ngãi), cho rằng: Để trung tâm hoạt động có hiệu quả thì trước hết phải sử dụng bộ giáo trình đạt chuẩn và phổ biến trên thế giới để mang lại hiệu quả. Giáo viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp và lấy học trò làm trung tâm. Để các em phát âm chuẩn thì ngay từ đầu phải cho các em tiếp xúc với giáo viên bản ngữ. Bên cạnh đó, môi trường học cũng đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng của các trung tâm ngoại ngữ hiện nay.

Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Trí, nhiều trung tâm ngoại ngữ không ngừng nâng cao chất lượng để thu hút người học. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh cho con theo học tại những trung tâm có giáo viên trực tiếp giảng dạy như AMA, Toàn Cầu, Tân Đại Dương, Anh - Mỹ. Các trung tâm có giáo viên nước ngoài giảng dạy hoạt động hiệu quả và đúng quy định. Nhiều trung tâm đã quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Đa số các đơn vị chủ động xây dựng và đăng ký với Sở GD&ĐT chương trình đào tạo đảm bảo chuẩn kiến thức, giúp học viên tham dự các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ; các kỳ thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo “khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam”. Các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ còn xây dựng các chương trình tiếng Anh giao tiếp phù hợp với thực tế cho học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau... Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều phụ huynh và học viên thì mức học phí tại các trung tâm này khá cao.

Riêng các trung tâm không có giáo viên bản ngữ chủ yếu đào tạo để cấp các chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C, dạy giao tiếp để người học được cộng điểm trong các kỳ thi hoặc có chứng chỉ để xin việc hay thi chuyển ngạch…Vẫn còn một số trung tâm hoạt động cầm chừng, số lượng người học ít. Anh Đinh Xuân Minh, công nhân làm việc tại Khu Kinh tế Dung Quất, tâm sự: “Vì làm việc trong môi trường có người nước ngoài, nên tôi có nhu cầu học tiếng Anh giao tiếp. Tuy nhiên, các trung tâm có người nước ngoài giảng dạy thì học phí quá cao. Còn các trung tâm chỉ có giáo viên Việt Nam thì sợ phát âm không chuẩn".

Ông Nguyễn Minh Trí cho biết, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường công tác quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ. Mới đây, Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các trung tâm ngoại ngữ chấp hành đúng các quy định hiện hành về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình, tài liệu, thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập của chương trình đào tạo theo Thông tư 03 của Bộ GD&ĐT. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo cho các khóa học, trung tâm có văn bản báo cáo, đề nghị Sở GD&ĐT kiểm tra các điều kiện tổ chức kiểm tra cấp chứng chỉ. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trung tâm thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai thông tin về danh sách học viên được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị; thông tin phải được cập nhật thường xuyên và được lưu trữ. Sở GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các trung tâm ngoại ngữ.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.