Đừng để thư viện trường học chỉ là kho giữ sách

08:12, 10/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thư viện trường học có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đọc, phát triển tư duy, đáp ứng nhu cầu về thông tin cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, để thư viện thật sự là nơi gần gũi, thu hút, lan tỏa văn hóa đọc thì cần phải có rất nhiều nỗ lực và phối hợp từ phía các ban ngành, trường học.

TIN LIÊN QUAN

Những điểm sáng

Đến thư viện Trường THCS Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), chúng tôi bất ngờ về sự ngăn nắp, khang trang của phòng đọc và tình yêu sách của các em học sinh nơi đây. Với diện tích 95m2, hơn 17 nghìn đầu sách phong phú về chủng loại, thư viện trở thành nơi học tập, giải trí của các em sau mỗi giờ ra chơi. Phòng đọc của trường mở cửa liên tục 5 ngày trong tuần, mỗi buổi số lượng học sinh mượn và đọc sách từ 60 đến 80 em. Cô Lê Thị Kim Anh, cán bộ thư viên có hơn 10 năm công tác, cho biết: Các em đọc rất nhiều thể loại, trong đó sách về danh nhân văn hóa, truyện cổ tích dân gian, tạp chí dành cho tuổi học trò được học sinh rất yêu thích.

 

Các em học sinh ở Trường THCS Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) say mê đọc sách ở thư viện.
Các em học sinh ở Trường THCS Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) say mê đọc sách ở thư viện.


Trong những năm qua, nhà trường liên tục tăng cường, bổ sung những đầu sách mới, đặc biệt là các loại sách tham khảo để các em có hứng thú khi đến thư viện. Thầy Phạm Nhân Tạo-Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Kỳ, cho biết: “Hằng năm, trường trích khoảng 10 triệu đồng trong ngân sách hoạt động để bổ sung sách thường xuyên. Đồng thời, chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ sách từ các công ty tư nhân, các cá nhân là con em quê hương thành đạt”. Định kỳ từng niên học, trường có những phần thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích cao trong “Phong trào đọc sách thư viện”. Nhờ chú trọng, quan tâm đến công tác thư viện và tuyên truyền văn hóa đọc cho học sinh mà trình độ, năng lực của các em ngày càng được nâng cao. Năm học 2010- 2011, tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm 24% thì đến 2013 -2014 đã tăng lên 53%.

Còn ở Trường Tiểu học thị trấn Di Lăng 1 (Sơn Hà), dù ở vùng cao còn lắm khó khăn nhưng cũng luôn chú trọng đến công tác thư viện. Vào giờ ra chơi, thư viện trường không còn một chỗ trống. Niềm yêu thích đọc sách của các em thể hiện rõ qua từng ánh mắt, nụ cười. Ngoài điểm trường chính, trường còn có một điểm trường lẻ nên hằng tuần giáo viên chủ nhiệm sẽ lên thư viện mang sách về cho các em học sinh đọc, nên đã khích lệ tinh thần ham đọc sách của các em.

Cần nâng cao chất lượng hoạt động

Hiện nay, huyện Tư Nghĩa có 13/13 trường THCS, 16/22 trường tiểu học đạt thư viện chuẩn 1; Sơn Tịnh có 10/11 trường THCS, 14/15 trường tiểu học đạt thư viện chuẩn 1. Dù thư viện đạt chuẩn quốc gia kiểu mới ngày càng tăng lên nhưng về chất lượng hoạt động thật sự hiệu quả hay chưa thì còn là một điều trăn trở. Vẫn còn đó rất nhiều trường chưa thật sự chủ động trong việc tạo nguồn sách, cũng như nhân lên niềm say mê đọc sách của các em. Các trường ở vùng cao, miền núi, nơi địa phương còn nghèo thì thư viện đa số chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức, thư viện vẫn chỉ là nơi giữ sách, đầu sách còn nghèo nàn, không mới nên phong trào đọc sách chưa được tuyên truyền sâu rộng.

Trong những năm gần đây, các Phòng GD&ĐT trong tỉnh luôn chú trọng đến công tác thư viện trong trường học, như mở các lớp tập huấn; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phần mềm Vemist của Bộ GD&ĐT trong việc lưu trữ, quản lý hoạt động của thư viện; lên kế hoạch nâng cao về chất lượng, số lượng thư viện chuẩn quốc gia, tiến đến thư viện tiên tiến. “Phòng luôn đôn đốc, kiểm tra và cung cấp bản sách ban đầu (khoảng 30 triệu đồng) và mua trang thiết bị cho thư viện, còn việc hoạt động cũng như quản lý, bổ sung sách, đẩy mạnh văn hóa đọc chủ yếu là từ trường học”, bà Nguyễn Thị Thương – Phó Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh, nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tâm- chuyên viên phụ trách mảng thư viện- thiết bị Phòng GD&ĐT Tư Nghĩa, cho biết: Mỗi trường nên chủ động tạo nguồn sách mới với nhiều thể loại, đặc biệt là các sách tham khảo, sách dành cho thiếu nhi. Đồng thời, nên tích cực mở các cuộc thi kể chuyện theo sách, kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể tham gia tốt trong phong trào đọc sách thư viện. Ngoài ra, cán bộ thư viện cần phải tăng cường trau dồi kỹ năng. Cán bộ thư viện không những là người biết cách quản lý thư viện mà cần phải biết cách giao tiếp, xây dựng thư mục, giới thiệu sách cho học sinh, tạo nên sức hút của thư viện với các em.  

Vừa qua, huyện Tư Nghĩa tổ chức kỳ thi tuyển viên chức thư viện cho 19 trường trong huyện. Hy vọng, với nguồn cán bộ mới này sẽ làm tốt vai trò của mình, là bước đệm mới đưa hệ thống thư viện trường học ngày một tiên tiến hơn.
        

  Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.