Nỗi niềm cô trò điểm trường lẻ

08:09, 09/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bậc học mầm non ở huyện Sơn Hà ngoài 13/14 điểm trường chính ở các xã tương đối khang trang thì cô trò ở 68 điểm trường lẻ của huyện hiện nay vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn…     

TIN LIÊN QUAN

 Vừa học vừa lo… di tản

Căn phòng ở điểm trường  Cà Đáo dưới thị trấn Di Lăng nóng hầm hập khi trời nắng khiến cô trò vừa học vừa thấm mồ hôi. Mải chăm các cháu, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thủy chẳng để ý đến sự có mặt của chúng tôi. Đến khi có bé vòng tay nói lớn “con chào cô, bác”, cô Thủy chợt lúng túng rồi cười bảo “Chị cứ tưởng cô giáo nào bên tiểu học về… nhận lại phòng”, cô Thủy mở đầu câu chuyện. Hóa ra, căn phòng mà 28 bé ở ba độ tuổi 3, 4 và 5 đang học là tài sản của trường tiểu học. Nghĩa là các cháu bậc mẫu giáo đang học… nhờ! Thế nên tuy phòng học thấp nóng, nhưng điều này chẳng khiến cô Thủy và các bé bận tâm.

 

Giờ chơi của các cháu điểm trường Cà Đáo dưới - phòng mượn của trường tiểu học.
Giờ chơi của các cháu điểm trường Cà Đáo dưới - phòng mượn của trường tiểu học.

Bởi nếu không có nó, 28 cháu này phải đến điểm trường Cà Đáo trên, cách hơn 4 cây số để học, vừa vất vả vừa thiệt thòi. Bởi ở điểm trường Cà Đáo trên, các cháu chỉ học được 1 buổi/ngày do thiếu phòng; còn ở đây thì 2 buổi/ngày, lại gần nhà.

Thuận lợi thế nên cô Thủy càng lo lắng, bồn chồn. Bởi hiện giờ, trường tiểu học thừa phòng nhưng không biết sẽ thiếu vào lúc nào. Thế nên khi họ cần phòng để bố trí lớp thì cô Thủy lẫn các cháu phải giảm thời lượng học tập còn 1 buổi/ngày. Thậm chí trả phòng, rồi di tản về điểm trường Cà Đáo trên.

Hiện nay, huyện Sơn Hà còn thiếu 10 phòng học cho bậc mẫu giáo, mầm non ở các xã vùng cao gồm: Sơn Nham, Sơn Cao, Sơn Kỳ và Sơn Ba. Do đó, để đảm bảo điều kiện ra lớp cho trẻ, ngành giáo dục huyện Sơn Hà đành phải “chữa cháy” bằng cách mượn phòng của các trường tiểu học địa phương. Theo ông Nguyễn Hữu Liệu - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà thì: “Dù phòng mượn cũng khang trang, nhưng việc học… nhờ đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý cũng như chất lượng dạy và học, vui chơi của các cháu”.
      
“Khát” nước và không nhà vệ sinh

Không chỉ học phòng mượn, cô trò ở các điểm trường lẻ thôn, xóm hoặc liên thôn, liên xóm còn gặp nhiều khó khăn bởi không có nước và nhà vệ sinh. Ở các điểm trường này,  cô giáo phải mang xô đến nhà dân xách nước về, rồi lúi húi vệ sinh cá nhân cho các cháu. Mà đâu phải một, những gần 30 cháu thì chưa nói đến chuyện ổn định nền nếp, riêng đi lấy nước đã đủ khiến các cô hụt hơi.

Chia sẻ những khó khăn này, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Hữu Liệu cũng chỉ biết “ghi nhận và kiến nghị cấp trên”. Bởi hiện tại, hầu như 68 điểm trường mẫu giáo lẻ trong toàn huyện đều chung cảnh ngộ. Mới đây dự án Plan hứa hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình nhà vệ sinh, hệ thống nước tại 4 điểm trường lẻ trong huyện đã khiến các cô rất phấn khởi. Và đây được xem là tin vui cho mùa khai giảng năm nay.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.