Bỏ trăm triệu đến Việt Nam học lấy bằng chính quy

03:09, 22/09/2013
.

Lần đầu tiên tại VN, 41 sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Nigeria, Cameron, Lào sẵn sàng bỏ ra 12.000USD/học phí 3 năm (hơn 252.000.000 đồng) theo học chương trình đại học chính quy do một ĐH trong nước cấp bằng.
 


Bắt đầu từ năm học 2013, Trường ĐH FPT chính thức có khóa sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình đại học chính quy kéo dài 4 năm do trường cấp bằng.

Sinh viên quốc tế thuộc hai ngành Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh của Đại học FPT sẽ được học theo giáo trình và nội dung đào tạo đồng nhất với chương trình hiện tại dành cho sinh viên Việt Nam của trường.

Bên cạnh đó, các sinh viên quốc tế sẽ được học thêm các nội dung về văn hóa Việt Nam, cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, chương trình phát triển cá nhân.

“Việt Nam là một đất nước vô cùng xinh đẹp và dễ mến. Tôi rất yêu quý đất nước và con người nơi đây. Lựa chọn học đại học ở Việt Nam cũng một phần vì lý do đó, tôi muốn được học tập và trải nghiệm trong một môi trường hoàn toàn mới, từ đó có thể khám phá nhiều hơn khả năng của chính mình”, Lee Jaedong, sinh viên người Hàn Quốc cho biết.

Ông Nguyễn Thành Nam (Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế, Trường ĐH FPT) kỳ vọng trong tương lai gần trường sẽ có 10% SV quốc tế trong tổng số SV theo học tại đây.

Theo ông Nam: “Tạo một môi trường học tập quốc tế ngay chính tại Việt Nam là một trong những nỗ lực của Đại học FPT trong việc trang bị cho sinh viên tư duy toàn cầu hoá và khả năng thích nghi, làm việc trong môi trường đa văn hoá, tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực Việt Nam. Không chỉ mang lại lợi ích cho chính sinh viên Việt Nam, việc tăng cường tuyển sinh sinh viên quốc tế cũng trở thành một động lực để các trường đại học không ngừng nâng cao chất lượng, hướng tới các chuẩn mực của một trường đại học quốc tế thực sự”

“Trong báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014 được diễn dàn Kinh tế Thế giới công bố đầu tháng 9/2013, Việt nam đang xếp thứ 95/148 nước về giáo dục đại học. Với một quốc gia tài nguyên hạn chế như Việt Nam, cần xem phát triển giáo dục là yếu tố sống còn để phát triển đất nước, và Báo cáo của Diễn dàn Kinh tế thế giới đã gióng một hồi chuông cảnh báo chúng ta về vấn đề này.

Nguồn nhân lực Việt Nam cuối cùng phải tham gia vào nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu, và khi đó các trường đại học Việt Nam không thể né tránh trách nhiệm cần phải đào tạo nhân lực giúp cho doanh nghiệp, rộng hơn là quốc gia – nâng cao được tính cạnh tranh. Bởi vậy chúng tôi coi chiến lược GO GLOBAL - quốc tế hoá toàn diện và sâu sắc là một nhiệm vụ quan trọng và là con đường tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục”, TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT chia sẻ.

Theo thống kê của Trường ĐH FPT, 15% sinh viên tốt nghiệp của trường này đã và đang làm việc tại nước ngoài.



Nguồn: VNN/Infonet


.