Thủy điện Đắkdrinh cận ngày tích nước: Học sinh vẫn học dưới… lòng hồ

08:08, 28/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, ngày 31.8 thủy điện Đắkdrinh sẽ tích nước. Công tác di dân từ lòng hồ lên bờ đã được chính quyền báo cáo là hoàn tất. Thế nhưng, một điểm trường với 58  học sinh tiểu học vẫn còn học tập dưới lòng hồ thủy điện này.

TIN LIÊN QUAN

Năm học mới ở Sơn Tây đã bắt đầu từ ngày 12.8. Các em học sinh ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) – con em vùng lòng hồ thủy điện Đắkdrinh cũng ra lớp đúng thời điểm này. Thế nhưng ngôi trường mà các em đang học chỉ ít ngày nữa thôi sẽ ngập sâu trong nước trong khi trường mới chưa xây, trường tạm chưa làm.

Dân đi, trường nằm lại

Từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tây, vượt qua nhiều con dốc là đến đỉnh núi Cà Rá U Sầu. Tại đây, xuống núi khoảng 8 km nữa trên con đường trơn như mỡ cùng với bùn lầy, đá cuội sẽ đến được lòng hồ thủy điện Đắkdrinh.

Khi bánh xe máy vừa chạm ranh giới phát quang cảnh báo mực nước khu vực lòng hồ sẽ ngập vào 31.8, chúng tôi bất ngờ vì thấy vẫn còn một ngôi trường khá đông học sinh theo học. Đó là điểm trường Ra Manh thuộc Trường tiểu học Sơn Long. Tiếng giảng bài, đọc bài vọng ra từ cửa lớp, vang xa. Xuống xe, dắt bộ chừng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đặt chân đến sân trường Ra Manh. Các em học sinh Cadong hồn nhiên, vô tư nghe giảng. Còn thầy cô giáo giảng bài đầy những lo âu. Đấy là tâm trạng thật của những người “gieo” chữ tại điểm trường này.

 

 Điểm trường Ra Manh sẽ nằm lại dưới lòng hồ thủy điện Đắkdrinh.
Điểm trường Ra Manh sẽ nằm lại dưới lòng hồ thủy điện Đắkdrinh.


Thầy giáo Nguyễn Hoàng Nam – giáo viên điểm trường Ra Manh cho biết: “Gia đình, cha mẹ các em đã chuyển đi hết rồi, còn trường thì đến nay vẫn chưa ai thông báo phải di dời cả. Chuyện học của các em sau khi điểm trường này bị ngập nước cũng chẳng ai đến bàn với thầy cô. Chúng tôi sốt ruột, lo lắng đến không ngủ được”. Trao đổi với lãnh đạo xã Sơn Long về vấn đề “trường còn nằm lại” nơi lòng hồ, chúng tôi nhận được câu trả lời: Xã cũng đang lo lắm, nhưng chuyện làm trường tạm, xây trường mới là trách nhiệm của ban quản lý dự án huyện. Hiện giờ, chưa đến ngày tích nước và cũng chưa có trường tạm nên đành để các em học tiếp ở điểm trường Ra Manh.

“Thầy ơi, con sẽ học ở đâu”?

Điểm trường Ra Manh có 6 lớp, hiện còn 58 học sinh của 3 thôn Ra Pân, Ra Mun và Nước Đốp theo học. Trong đó đa số là con em các gia đình thôn Ra Mun và Nước Đốp nằm trong dự án bắt buộc phải di dời chỗ ở nhường đất cho lòng hồ thủy điện Đắkdrinh. Hiện nay cha mẹ những em này đã di chuyển nhà đến nơi khác theo yêu cầu của chính quyền địa phương, nhưng vì chưa có trường mới nên con em họ vẫn phải trở về “trường xưa” để học. Một số em khác là con các hộ dân sinh sống ở thôn Ra Pân không thuộc diện di dời. Việc ngôi trường này bị ngập sẽ ảnh hưởng đến chuyện học hành của số học sinh thuộc diện di dời, tái định canh lẫn học sinh không thuộc diện phải di dời.

Em Đinh Văn Phum, nhà ở thôn Nước Đốp, học sinh điểm trường Ra Manh cho biết: Bố mẹ em đã chuyển lên trên đồi cao ở được nhiều ngày rồi! Nhưng hằng ngày em vẫn phải đi bộ gần 5 cây số quay trở về trường cũ Ra Manh để học. Đường xa, lầy lội khó đi lắm. “Con sợ khi trường ngập nước rồi, không biết mình sẽ học ở đâu. Con không muốn phải nghỉ học vì không có trường” – Phum nói như muốn khóc.

Hôm về lòng hồ thủy điện Đắkdrinh, các học sinh điểm trường Ra Manh nghe chúng tôi hỏi chuyện thầy cô giáo kế hoạch di dời trường khi thủy điện tích nước, nhiều em cứ lẽo đẽo theo sau thầy giáo Nguyễn Hoàng Nam níu áo hỏi: “Thầy ơi, con sẽ học ở đâu?”. Thầy Nam nhìn những học trò nhỏ trìu mến an ủi, vỗ về: “Dù trong hoàn cảnh nào, các thầy cô cũng luôn ở bên các con, đừng lo! Các con chăm chỉ, đến lớp đều đặn, các chú ở huyện sẽ về xây trường mới cho các con ở một nơi khác”.

Đừng để “con chữ” bị “đứt”?

Thế nhưng di chuyển học sinh đến điểm trường nào thì chắc chắn thầy Nam không thể trả lời các em được. “Đến giờ này, chưa có một văn bản nào thông báo đến chúng tôi thời điểm tích nước, lúc nào chuyển trường. Đó là sự thiếu sót khó lòng thông cảm được!” – thầy Nguyễn Hoàng Nam nói. Hằng ngày, các thầy cô giáo điểm trường Ra Manh vẫn miệt mài bám trụ ăn, ở nội trú tại điểm trường để “gieo chữ” nơi lòng hồ sắp tích nước với lo âu trĩu nặng. Số học sinh buộc phải di chuyển theo cha mẹ chưa có chỗ học tập lo lắng một thì các em học sinh không phải di dời chỗ học lo lắng đến mười. “Nếu học sinh sống rải rác thì học sinh ở điểm trường Ra Manh này sẽ bị chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, nguy cơ bỏ học là rất cao. Vì vậy mong chính quyền quan tâm tạo điều kiện bố trí cho các em ổn định học tập tại một điểm, để có điều kiện học tập tốt hơn và giáo viên cũng bớt vất vả” – thầy Nguyễn Hoàng Nam bày tỏ.

Trao đổi về việc tổ chức lớp học khi thủy điện tích nước, lãnh đạo xã Sơn Long cho biết: “Xã đã chủ động tính đến phương án mượn tạm 3 nhà dân ở khu dân cư Ra Pân, thôn Ra Manh – khu vực giáp ranh lòng hồ để tổ chức lớp học cho các em”. Để kiểm chứng thông tin này, chúng tôi về tận khu dân cư Ra Pân. Người dân ở đây cho biết, chỉ mới thấy xã đi “khảo sát”, chưa thấy đặt vấn đề chính thức về việc mượn nhà. Tại khu dân cư Ra Pân, huyện Sơn Tây cũng có kế hoạch sẽ xây dựng một trường tạm để di dời học sinh đến học. Thế nhưng cho đến giờ này – khi chỉ còn ít ngày nữa là “bà thủy” sẽ nhấn chìm điểm trường Ra Manh thì tại đây vẫn chưa thấy bất kỳ biểu hiện nào là sẽ có trường tạm.

Hiện nay ngành giáo dục Sơn Tây đang rất lo lắng việc duy trì sĩ số học sinh điểm trường Ra Manh. Ông Lê Hoài Thạnh – Trưởng phòng Giáo dục Sơn Tây bày tỏ: “Trường mới chưa xây, trường tạm chưa dựng. Cha mẹ di dời sẽ mang theo con cái. Thầy cô giáo khó lòng mà chạy theo học sinh để dạy. Vì thế, nếu không có trường kịp thời, nguy cơ học sinh bỏ học hoàn toàn có thể xảy ra”.


Về phía huyện Sơn Tây, ông Tô Cước – Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Giải quyết chỗ ở cho dân, chỗ học cho con em học ít nhất phải mất 2 tháng nữa”. Chính vì thế giải pháp trường tạm cho học sinh vẫn là điều bắt buộc, không còn cách lựa chọn khác. Và việc này cần thiết phải khẩn trương, quyết liệt trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu” !


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.