Sức sống Sa Băng

09:05, 24/05/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Tháng 5, cánh đồng Sa Băng, thôn Ba Bình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) sen nở rực rỡ. Người dân ở đây chia sẻ, trước kia cánh đồng này chủ yếu là sình lầy, chỉ sản xuất được một vụ lúa trong năm, nên sáng kiến việc trồng sen, nuôi cá và bây giờ nó đã có một sức sống mới.
Đầm sình lầy
 
Trong cái nắng chang chang như đổ lửa của những ngày tháng 5 nhưng cánh đồng Sa Băng vẫn tỏa ngát hương sen dịu nhẹ khiến nhiều khách tham quan cảm thấy sản khoái. Đưa chúng tôi băng qua rừng keo đến sát mép đầm có sen nở, ông Trương Văn Hàng, người tiên phong trồng sen ở đây bày tỏ: “Trước kia, nơi đây là đầm lầy. Cả năm chỉ sạ được một vụ lúa rồi hết vụ cứ dầm mình ở đó, thả lưới bắt cá tôm. Hồi trước, người dân hay gọi đầm Sa Băng là vì thế”. 
 
Từ một đầm lầy, hoang hóa, giờ đây, La Băng đã khoát lên chiếc áo mới đầy sức sống
Từ một đầm lầy, hoang hóa, giờ đây, Sa Băng đã khoát lên chiếc áo mới đầy sức sống
 
Cũng theo ông Hàng và người dân thôn Ba Bình, Xuân Đình, ngày trước, đầm Sa Băng rộng hơn 40ha. Toàn khu vực này chỉ sản xuất được một vụ lúa. Đến mùa mưa, cả cánh đồng này bị ngập úng và sình lầy mãi đến mùa khô. Do đó, sau khi sản xuất lúa vụ trước, người dân có đất ở đây đành phải bỏ đất hoang hóa trong một thời gian dài.
 
“Lúc ấy, xung quanh và trong đầm toàn là cây lùng, lát mọc chằng chịt. Mùa mưa thì nhiều người dùng ghe nhỏ đánh bắt cá tự nhiên sinh sống trong đầm như cá tràu, cá rô, cá lác... Mùa hè, nước cạn hơn thì người ta dùng vó, nơm, lưới nhất, lưới hai để bắt cá, tép. Tuy là đầm lầy, nhưng người dân cũng hưởng lợi từ nó rất nhiều. Bây giờ người ta dùng xung điện đánh bắt nên cá, tôm khan hiếm dần, đầm Sa Băng cũng đã không còn như xưa và người dân chúng tôi tận dụng đầm này để chuyển hướng sản xuất mới”, ông Hàng cho biết thêm.
 
Sức sống mới
 
Là người tiên phong trong việc trồng sen trên đầm Sa Băng, ông Hàng hiểu hơn ai hết về lợi nhuận cũng như thành công của mô hình này mang lại. Chính cây sen đã mang đến một “luồng gió mới” cho người dân ở hai thôn Ba Bình và Xuân Đình. Đến nay, ngoài ông Hàng thì có hơn 20 hộ dân khác cũng đang tận dụng những mẫu ruộng ven đầm của mình để trồng sen. Có hộ diện tích trồng sen lên đến vài hécta, cho thu nhập cả trăm triệu đồng sau mỗi vụ.
 
Điều đáng mừng là tuyến kênh Thạch Nham chính nam nằm song song với đầm Sa Băng, tạo một nguồn nước dồi dào tưới ẩm thường xuyên cho những cánh đồng lân cận. Nhờ đó, vào mùa khô (hè thu) mùa màng ở đây vẫn được sản xuất, cây trồng vẫn trở nên xanh tốt bời bời và cho năng suất cao.
 
Mới đây, sau khi xin phép chính quyền địa phương, lão nông Huỳnh Quang Chế đã quy hoạch hơn 10ha đất gần đầm Sa Băng để thả nuôi cá trắm cỏ, cá rô phi, phát triển sản xuất. Đây được xem là một trong những mô hình triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình này, ông Chế sẽ cải thiện được môi trường nước cũng như tạo một hệ sinh thái góp phần vào sự đa dạng và góp phần tạo nên sức sống mới cho đồng Sa Băng.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thịnh Nguyễn Văn Long cho hay: “Từ một đầm lầy, người dân đã tận dụng và thực hiện được nhiều mô hình kinh tế tại đây. Với kiểu canh tác mới cùng với những mô hình phù hợp với các điều kiện sẵn có sẽ mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là cách giúp cho đầm Sa Băng có một sức sống mới, tạo điểm nhấn thu hút nhiều người biết đến"
 
Ngày nay, những ai đi xa trở về hoặc du khách từ khác đến chẳng có thể nghĩ rằng Sa Băng trước kia từng là một đầm lầy hoang hóa với rừng lau, sậy, lùng lác mọc khắp nơi. Giờ đây, thay vào đó là một cánh đồng sen nở rộ, rộng bát ngát và tỏa hương thơm dịu nhẹ khiến bao nhiêu người thích thú, mê mẩn. Nhờ sự chung tay cải tạo của người dân mà cánh đồng Sa Băng đã khoát lên mình chiếc áo mới, với sức sống mới.
 
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT
 
 

.