Ngành lâm nghiệp: Hướng đến phát triển bền vững

02:10, 19/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chỉ thị 13/2017-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người dân sống gần rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng.

TIN LIÊN QUAN

Phát triển rừng chất lượng

Từ khi Chỉ thị 13 được ban hành, đến nay công tác quy hoạch 3 loại rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả hơn. Đến cuối tháng 9.2019, diện tích có rừng là 334.278ha; trong đó, rừng tự nhiên gần 110.000ha; rừng trồng trên 224.000ha; độ che phủ rừng đạt gần 51%.

Trong 9 tháng năm 2019, diện tích rừng trồng tập trung đạt 12.000ha, đạt 74% so kế hoạch. Riêng diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng (FSC), đạt khoảng trên 2.900ha. Tổng diện tích chăm sóc rừng trồng phòng hộ là 1.073ha, đạt 100% kế hoạch. Sản lượng gỗ rừng trồng đạt 1.753.750m3, đạt trên 139% so với kế hoạch, tăng hơn nhiều so với những năm trước.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ quốc tế mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được khuyến khích nhân rộng.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ quốc tế mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được khuyến khích nhân rộng.

Một số mô hình quản lý kinh doanh lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh đã triển khai thành công, như mô hình chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; lưu giữ và bảo tồn giống cây quế bản địa Trà Bồng với diện tích 10ha...

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: “Chi cục đang phối hợp với đơn vị tư vấn để thực hiện hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và hướng đến cấp chứng chỉ rừng tại các xã Đức Lân, Đức Phú (Mộ Đức), với tổng quy mô dự kiến trên 600ha”.

Ngoài ra, công tác giao rừng, khoán bảo vệ rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được quan tâm thực hiện, giúp người dân trồng rừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Vẫn còn những khó khăn

Trong 9 tháng năm 2019, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức 630 đợt truy quét, 761 đợt kiểm tra, 2.340 đợt tuần tra quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, phát hiện 251 vụ vi phạm, đã xử lý hành chính 156 vụ, trong đó có 7 vụ chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra. Thu giữ trên 103m3 gỗ tròn; trên 88m3 gỗ xẻ các loại; thu nộp ngân sách 2,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài cùng với đó là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao trong việc đốt thực bì, dọn vệ sinh sau khai thác, đốt ong, đốt rác sinh hoạt... đã gây ra 61 vụ cháy rừng, với tổng diện tích thiệt hại gần 211ha.

Mặc dù công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, các lực lượng cũng được tăng cường, tuy nhiên do một số hạn chế, nên rừng vẫn chưa được bảo vệ tối đa. Đời sống người dân miền núi còn nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nương rẫy, nhận thức về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng còn hạn chế. Giá gỗ nguyên liệu (cây keo) cao dẫn đến người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng gia tăng... Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 37 vụ phá rừng, tăng 13 vụ (11,43ha) so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, nhân lực và nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Các Ban Quản lý rừng phòng hộ thiếu trang thiết bị, phương tiện điều kiện để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao; công tác phối hợp bảo vệ rừng tại các vùng giáp ranh chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên.

Với mục tiêu phát triển rừng bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 575/2019/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, với tổng vốn gần 8 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2020, dự án hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với diện tích 507ha. Ngoài các chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật, chủ rừng tham gia dự án được vay bình quân 15 triệu đồng/ha, với lãi suất sau cấp bù là 1,2%/năm.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 

 


.