Tập trung giải quyết tranh chấp đất lâm nghiệp

09:10, 31/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát. Chính quyền địa phương các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện, nên đã đạt được một số kết quả nhất định.

TIN LIÊN QUAN

Những kết quả rõ nét

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác điều tra, kiểm kê rừng với tổng diện tích đất có rừng đến năm 2016 là 344.882ha (rừng tự nhiên 113.364ha, rừng trồng 231.517ha). Diện tích đất có rừng tăng lên so với năm 2015 là 34.726ha.

Đoàn cán bộ của tỉnh điều tra, giám sát khu vực lấn chiếm đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ.
Đoàn cán bộ của tỉnh điều tra, giám sát khu vực lấn chiếm đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ.


Việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành. Qua đó, đã giải thể Lâm trường Trà Tân và chuyển Lâm trường Ba Tô sang Công ty TNHH MTV hoạt động công ích; sắp xếp lại 7 ban quản lý rừng, trong đó chuyển 6 ban trực thuộc UBND cấp huyện về Sở NN&PTNT quản lý và sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm thành Chi cục Kiểm lâm, đi vào hoạt động ổn định từ quý II/2016.

Công tác giao rừng, cho thuê rừng đã cơ bản hoàn thành, với tổng diện tích rừng được giao 117.150ha. Trong đó, giao cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư 17.194ha; giao cho các công ty lâm nghiệp thuê 6.648ha và giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ 89.159ha. Công tác giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi được các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, đã giao được hơn 83.029ha/52.621 hộ và giao cho 102 cộng đồng miền núi quản lý 13.684ha.

Tranh chấp đất rừng

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay đang cộm lên vấn đề tranh chấp đất lâm nghiệp ở các xã miền núi. Cụ thể như các Ban quản lý rừng phòng hộ: Đầu nguồn Thạch Nham, Khu đông và Khu tây Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng và Trung tâm kỹ thuật Nông lâm nghiệp Dung Quất, hiện chỉ quản lý được trên thực địa 90.628ha, còn lại hơn 15.855ha đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, nhưng chưa quản lý được ngoài thực địa, do người dân địa phương xâm canh để phát triển cây keo nguyên liệu.

Việc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân địa phương và các công ty lâm nghiệp từ nhiều năm nay luôn diễn ra gay gắt và phức tạp. Như ở các xã Ba Vinh, Ba Động, Ba Thành (Ba Tơ) hiện có hàng chục hộ dân chiếm hơn 86ha đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ. Còn ở 2 xã Ba Nam và Ba Tô, người dân cản trở, không cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô thi công trồng rừng tại tiểu khu 438 và 439 với diện tích 10ha; ngoài ra người dân còn lấn chiếm đất của Công ty này với diện tích hơn 52ha.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Huyện ủy, UBND huyện Ba Tơ phối hợp với Sở NN&PTNT và các sở, ngành hữu quan cùng hệ thống chính quyền cấp xã và các chủ rừng tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người dân ở các xã có xảy ra tranh chấp; đồng thời vận động người dân trả lại đất cho các công ty lâm nghiệp, hoặc liên kết với công ty phối hợp trồng rừng theo phương án đôi bên cùng hưởng lợi sản phẩm. Đến nay, về cơ bản tình hình tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ba Tơ đã được ổn định. Qua vận động, đã có 10 hộ dân đồng ý ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ để trồng 20ha rừng theo phương thức đôi bên cùng hưởng lợi.


Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM


 


.