Ô nhiễm môi trường trong chế biến thủy hải sản: Khó kiểm soát

09:03, 13/03/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngoài chất thải rắn và một số chất thải nguy hại khác, chất thải lỏng và phế liệu, như đầu, xương, da, vây, vảy, vỏ tôm cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường xung quanh, vì chúng dễ bị thối rữa và phân hủy, tạo ra mùi hôi thối.
“Thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường

Theo điều tra mới đây của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT), trong chế biến thủy hải sản đông lạnh, 1 tấn thành phẩm tôm sẽ thải ra môi trường 0,75 tấn phế thải, nhuyễn thể chân đầu: 0,45 tấn, nhuyễn thể hai mảnh vỏ: 8 tấn. Trong đó, chất thải lỏng từ cơ sở chế biến (CSCB) thủy hải sản có chỉ số ô nhiễm cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại B dùng cho nuôi trồng thủy sản. Cụ thể: BOD vượt từ 10-30 lần, COD từ 9-19 lần, nitơ tổng có nơi cao gấp 9 lần...
 
Nước thải tại Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
Nước thải tại Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 126 CSCB thủy hải sản, tập trung ở KCN Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) và các cảng cá. Tuy nhiên, vì chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nên các CSCB chỉ thu gom phế liệu, còn nước thải thì để chảy... tự do ra môi trường!

Tại thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Châu), mỗi ngày các CSCB thủy hải sản ở đây sơ chế hàng chục tấn cá nguyên liệu để sản xuất chả cá. Tuy nhiên, những CSCB chỉ thu gom phế liệu, còn hầu hết nước thải và chất thải đều xả tại chỗ, chảy ra biển hoặc đường nội bộ!. Không chỉ làng chả cá Định Tân, mà xung quanh khu vực cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu còn có gần 20 điểm thu mua và CSCB thủy hải sản, nhưng hầu hết đều “trắng” hệ thống xử lý nước thải, chất thải.

Nỗ lực “sản xuất sạch hơn”

Nhận thấy môi trường trong và ngoài công ty có nguy cơ ô nhiễm nước thải, năm 2018, Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin (KCN Quảng Phú) đầu tư hệ thống xử lý nước thải, với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Với công nghệ tiên tiến, nước thải được xử lý triệt để mùi hôi, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường. “Dù áp dụng nhiều phương pháp truyền thống, nhưng nước thải vẫn không được xử lý triệt để. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm đầu tư công nghệ xử lý tiên tiến, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động và người dân xung quanh”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin Dương Văn Rin cho biết.

Tại các cảng cá, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý vệ sinh môi trường, Ban quản lý Các cảng cá tỉnh cũng yêu cầu các cơ sở thu mua và chế biến thủy sản trong khu vực cảng phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Mặc dù vậy, không có nhiều CSCB thủy hải sản quan tâm và mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
 
Ngoài hạn chế về mặt bằng, công nghệ xử lý và nhân lực, rào cản lớn nhất đối với các CSCB thủy hải sản là nguồn lực tài chính. Bởi kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn là rất lớn. Vì vậy, các CSCB thủy hải sản chỉ áp dụng một số giải pháp truyền thống, chủ yếu là sử dụng bể lắng và xử lý vi sinh. Tuy nhiên, số CSCB thủy hải sản nhiều, lượng nước thải tập trung lớn, công suất và chất lượng xử lý thấp, nên mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
 
Phế liệu và nước thải trong chế biến thủy hải sản là đối tượng chính gây ô nhiễm môi trường.
Phế liệu và nước thải trong chế biến thủy hải sản là đối tượng chính gây ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực của các CSCB thủy hải sản trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, ngành chức năng cần quy hoạch, đưa các CSCB thủy hải sản vào KCN hoặc khu chế biến thủy hải sản tập trung, để nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng nhà máy thu gom, xử lý chất thải nguy hại trong hoạt động chế biến thủy hải sản.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.